Bố mẹ đã tốt nghiệp trường mẫu giáo chưa?

 

Bố mẹ đã tốt nghiệp trường mẫu giáo chưa

Bài viết này là phần 2 của chủ đề giải quyết đứa trẻ trong chúng ta, để thuận tiện hãy đọc trước phần 1.

Tại một góc trong lớp mẫu giáo, cậu bé đưa cho cô bé một chiếc kẹo mà cậu đang ăn dở. Cô bé sung sướng, hồ hởi nhận lấy và ăn nốt phần còn lại của món quà. Đang ăn, cô bé bỗng trở nên sợ hãi quay sang hỏi cậu bé.

- Mẹ tớ bảo cấm không được ăn đồ của con trai. Nhưng tớ đã trót ăn rồi. Thế lỡ tớ có em bé thì sao?

- Thì đẻ chứ sao. Cậu bé trả lời chắc nịch. Khi đó cả ba chúng ta cùng đi mẫu giáo.

Một câu chuyện ngộ nghĩnh phải không. Nó không thật. Tất nhiên là vậy, về mặt sinh học. Nhưng nó lại rất thật trong đời sống tâm lý, tinh thần, của bạn, của tôi, của xã hội này. Cả nhà ta đều là những đứa trẻ. Cả nhà ta đều là học sinh mẫu giáo, nhưng không phải đứa nào cũng được đến trường.

Tại sao lại coi tôi là đứa trẻ mẫu giáo, tôi đã 45 tuổi rồi, tôi đã là thầy giáo, là giáo sư, là hiệu trưởng, tôi đã là doanh nhân thành đạt, tôi đã là thẩm phán…tôi không thể là đứa trẻ.

Bạn không còn là một đứa trẻ nữa, nhưng hãy quan sát lại bản thân và chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy hay cảm thấy đứa trẻ ở trong đó. Và đứa trẻ đó tạo ra rắc rối! Nếu bạn thực sự là một đứa trẻ thì sẽ không có vấn đề gì, nhưng bạn trẻ hay già?

Hãy quan sát xem bạn đã đủ phẩm chất để rời trường mẫu giáo chưa? Những suy nghĩ của bạn, những hành động của bạn, bạn đã khác trẻ con chưa? Bạn đã khác chúng chưa khi mà bạn luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh và cho người khác với bất kỳ điều gì xảy ra. Điều đó có khác gì đứa trẻ đổ lỗi cho sàn nhà làm cho nó ngã, khóc tấm tức và mách cô khi bị đứa trẻ khác trêu? Bạn đã lớn chưa khi bạn luôn miệng nói “của tôi”, "công việc của tôi", "vị trí của tôi", "người ấy của tôi"...mọi thứ là của tôi. Bạn đã trưởng thành hơn đứa trẻ chưa khi bạn luôn khao khát những gì ở trên tay người khác và quên những thứ tương tự có ở tay mình? Bạn có khác chúng không khi luôn chờ mong một siêu nhân đến giải cứu bạn, ban cho bạn hạnh phúc và an lạc, đó là Phật, là Chúa, là thánh, là thần. Bạn có khác chúng không khi trở nên hoảng loạn chỉ vì một ai đó không còn yêu bạn, không còn ở bên bạn, không thèm nhìn bạn, không còn kính trọng bạn hay còn trẻ con hơn nữa khi họ không còn like hay thả tim cho một bức ảnh của bạn trên facebook.  Bạn có khác gì chúng không khi bạn vẫn tin rằng thế giới này cần phải thay đổi, bạn phải là người cải tạo nó?

Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện có thật. Ông đã tám mươi tuổi, ông ấy đang điều trị trong bệnh viện với bình thở oxi. Và rồi đến sinh nhật của ông, ông đợi ba người con trai mang quà cho mình. Tất nhiên là họ đã đến, nhưng họ không mang theo bất cứ thứ gì vì ông đã tám mươi tuổi! Và khi ông lão nhận ra rằng những đứa con trai, đứa đầu đã 60 tuổi đến mà không có quà, không có bánh sinh nhật, ông giật dây thở ra và hét lên: 'Cái gì! Các người đã quên mất người cha già của mình, quên mất ngày sinh nhật của người cha già tội nghiệp của mình sao? Hôm nay là sinh nhật của tôi!'

Người con trai nói 60 tuổi cố kìm cười và nói, xin lỗi cha, con già quá nên trí nhớ kém, con lỡ quên sinh nhật cha rồi'

Ông già quay mặt đi giận dỗi “Quên à. Giá mà tôi có được cái đặc ân đó. Giá mà tôi quên cưới mẹ của các anh”

“Cái gì!” Người vợ đứng bên cạnh gào lên khi ông già vừa rứt lời. “Ông vừa nói cái gì, đồ lừa đảo”

Bạn có thấy người lớn nào trong gia đình đó không? Ông lão tám mươi và bà vợ ông ấy hay ta chỉ thấy những đứa trẻ đang dằn dỗi.

Bằng một cách nào đó, vẫn luôn tồn tại một đưa trẻ trong bạn mà bạn không nhận ra nó. Và nó gây rắc rối cho bạn, nó gây rắc rối cho giáo sư, cho doanh nhân, cho chủ tịch hay đơn giản là cho người bố, người me, người ông- những nhãn dán của bạn. Đứa trẻ vẫn tiếp tục ở đâu đó trong bạn: khi bạn khóc, bạn có thể nhận thấy nó, khi bạn cười, bạn có thể nhận thấy nó, khi ai đó tặng bạn một món quà, bạn có thể nhận thấy nó, khi ai đó quên tặng, bạn có thể nhận thấy nó, khi ai đó trân trọng bạn, bạn có thể nhận thấy nó; khi ai đó lên án bạn, bạn có thể nhận thấy nó. Nó hiện diện trong bạn và chỉ chờ cơ hội để hiện diện trọng bạn. Bạn thấy thật là rất khó để thực sự trưởng thành. Người ta không bao giờ có thể trưởng thành trừ khi đứa trẻ đơn giản là chết đi trong họ, không còn là một phần của họ nữa, nếu không nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hành động của họ, các mối quan hệ của họ. Và điều này không chỉ đúng với đứa trẻ, mọi khoảnh khắc của quá khứ đều ở đó và ảnh hưởng đến hiện tại của bạn. Và vì thế hiện tại của bạn rất nặng nề. Và hàng triệu giọng nói từ cơ thể và tâm trí tiếp tục thao túng bạn, làm sao bạn có thể đến đi đến được con đường của mình.

Một đứa trẻ tồn tại trong bạn vì bạn đang mang nặng một quá khứ. Quá khứ của một đứa trẻ, khi nó tràn ngập trong bạn, bạn đơn giản là một đứa trẻ nhiều tuổi. Đôi khi nó trở về bên bạn, bạn có nhữung khoảnh khắc trẻ con đáng xấu hổ. Và vì vậy, khi bạn mang theo toàn bộ quá khứ, từng khoảnh khắc của nó, và bạn đã từng là mọi thứ! Từ trong bụng mẹ cho đến bây giờ, bạn đã là hàng triệu người, và tất cả chúng đều được mang trong bạn, từng lớp một. Bạn đã trưởng thành, nhưng quá khứ vẫn chưa biến mất; nó có thể ẩn, nhưng nó vẫn ở đó, và nó không chỉ ở trong tâm trí, mà còn ở trong cơ thể. Khi bạn không rời bỏ được quá khứ, bạn có cả triệu người trong cơ thể bạn, trong tâm trí bạn, mỗi người đó dắt bạn đi một hướng, làm sao bạn không rối loạn, làm sao bạn không như một con gà không đầu, làm sao bạn lựa chọn được một con đường.

Làm sao để đứa trẻ không thao túng bạn?

Có một quy luật và bạn cần nhớ một luật cơ bản: bất kì cái gì hoàn chỉnh đều bị vứt bỏ, bởi vì khi đó mang nó chẳng có ý nghĩa gì; bất cứ cái gì chưa hoàn thiện đều bám chặt vào bạn, nó chờ đợi sự hoàn thành của nó. Tâm trí của bạn lúc đó trở thành chỗ để chất chứa toàn bộ những gì chưa hoàn thiện. Những điều chưa hoàn thiện cứ lơ lửng ở đó, chờ đợi, chờ đợi cho đến bao giờ chúng được hoàn thiện hoặc khi bạn chết đi. Đó chính là gánh nặng của bạn.

Quá khứ của bạn, tuổi thơ của bạn là những thứ chưa hoàn thiện khi chúng bị ngắt quãng, chúng bị chặn lại bởi can thiệp của cha mẹ bạn, của thầy cô, của các tiêu chuẩn đạo đức, chúng chưa đi đến sự trọn vẹn, chúng sẽ ở đó mãi, bám chặt vào tâm trí bạn để chờ được hoàn thiện. Nếu khi bạn còn nhỏ và bạn tức giận và ai đó nói, 'Dừng lại! Không được tức giận' và bạn dừng lại, thì cơn giận đó vẫn đang treo trong tâm trí bạn, trong bàn tay bạn. Nó phải như vậy vì năng lượng là bất khả hủy diệt, và trừ khi bạn thả lỏng bàn tay đó, nó sẽ vẫn tồn tại, trừ khi bạn làm điều gì đó một cách có ý thức để hoàn thành vòng tròn năng lượng đã trở thành cơn giận trong một khoảnh khắc nào đó cách đây năm mươi năm hoặc sáu mươi năm, bạn sẽ mang nó bên trong mình, và nó sẽ tô màu cho mọi hành động của bạn.

Bạn là một đứa trẻ, và ai đó đã làm hỏng đồ chơi của bạn, và bạn khóc. Khi đó mẹ bạn đã an ủi bạn, chuyển hướng tâm trí bạn đến một nơi nào đó như cho bạn một ít kẹo, chỉ cho bạn một bông hoa hay nói về điều gì đó khác, kể cho bạn một câu chuyện, chuyển hướng tâm trí bạn và bạn quên mất. Và thế là điều đó vẫn chưa trọn vẹn; nó ở đó, và bất kỳ ngày nào khi ai đó giật đồ chơi của bạn -- có thể là bất kỳ đồ chơi nào, có thể là bạn gái, và ai đó giật cô ấy -- bạn bắt đầu sẽ lại khóc và khóc. Và bạn có thể tìm thấy đứa trẻ ở đó, chưa trọn vẹn.

Sẽ không bao giờ đứa trẻ trong bạn dời đi, trừ khi bạn của hiện tại quay trở lại và hoàn thiện nhữung điều còn dang dở đó.

Quay lại quá khứ, hoàn thiện những điều dang dở như thế nào?

Hãy tìm hiểu... quay trở lại quá khứ, đi qua nó một lần nữa, bởi vì bây giờ không còn cách nào khác; quá khứ không còn nữa, vì vậy nếu có điều gì đó vẫn còn treo lơ lửng thì cách duy nhất là sống lại nó trong tâm trí, quay ngược lại.

Các nhà phân tâm học, cả sigmund freud và các học trò của ông đều dùng phương pháp này để điều trị cho những người bị bệnh tâm thần. Đó là những người có hàng nghìn, hàng triệu con người trong họ như tôi đã mô tả ở trên. Đó chính là những đứa trẻ trong quá khứ, những thứ chưa được hoàn thiện và chờ được hoàn thiện. Nhưng sigmund freud và các học trò của ông dùng phương pháp tốn kém nhất, tốn kém tiền bạc và tốn kém thời gian. Đó là cách họ chỉ đơn giản là ngồi nghe và người bệnh tâm thần kia sẽ kể lại hết toàn bộ những quá khứ của mình. Những nhà phân tâm học, họ đơn giản là những “người nghe” chuyên nghiệp, nghe với sự đồng cảm, nghe và trợ giúp người kể hoàn thiện những điều dang dở trong quá khứ. Khi các điều dang dở được hoàn thiện, chúng sẽ biến mất, con người trở về với nhất thể. Đó là khi cái điên sẽ biến mất dần đi. Nhưng đó là cách tốn kém nhất có thể. Bạn biết đấy, chỉ giới siêu giầu mới có thể điều trị được bằng phân tâm học của sigmund freud. Và nó còn rất mất thời gian, điều trị bằng cách này thường tính bằng những chục năm, 10 năm, 20 năm, bởi như bạn biết, bạn có khi phải dùng đến 1 tháng chỉ để mô tả chi tiết những thứ xảy ra trong một ngày.

Chính vì lẽ đó, dưới con mắt của các nhà tâm linh, những thiền nhân bậc thầy phương đông, phương pháp của phân tâm học phần lớn là lừa đảo. Nó không giúp gì cho người bệnh ngoài việc đốt tiền. Nó tách người bệnh ra khỏi cuộc sống, và còn có ý nghĩa gì nếu người đó mất đến cả cuộc đời để điều trị một căn bệnh.

Vì thế cách tiếp cận của tâm linh đối với chúng ta, những người còn mắc mớ với quá khứ trẻ con và thi thoảng quá khứ ấy trở về là chúng ta quay trở về quá khứ bằng tâm thức và tự mình hoàn thiện những điều còn dang dở đó mỗi ngày.

Mỗi đêm hãy cố gắng quay ngược lại trong một giờ, hoàn toàn tỉnh táo, như thể bạn đang sống lại toàn bộ mọi thứ. Nhiều thứ sẽ nổi lên, nhiều thứ sẽ thu hút sự chú ý của bạn -- vì vậy đừng vội vàng, và đừng chú ý nửa vời vào bất cứ điều gì rồi lại di chuyển vì điều đó sẽ lại tạo ra sự không trọn vẹn. Bất cứ điều gì đến, hãy chú ý hoàn toàn vào nó. Sống lại nó tức là không chỉ nhớ lại mà là sống cùng nó, là nó. Bạn lại là một đứa trẻ.

Đừng tỏ ra như thể bạn đang đứng tách biệt và nhìn một đứa trẻ khi đồ chơi của nó bị giật mất. Không! HÃY LÀ đứa trẻ. Không phải bên ngoài đứa trẻ, mà là bên trong đứa trẻ -- hãy lại là đứa trẻ. Sống lại khoảnh khắc đó: ai đó giật mất đồ chơi, ai đó phá hỏng nó, và bạn bắt đầu khóc - và khóc! Mẹ bạn đang cố gắng an ủi bạn - hãy trải qua toàn bộ sự việc một lần nữa, nhưng bây giờ đừng để bất cứ điều gì làm bạn xao nhãng. Hãy để toàn bộ quá trình được hoàn thành. Khi nó hoàn thành, đột nhiên bạn sẽ cảm thấy trái tim mình nhẹ nhõm hơn; có điều gì đó đã rơi xuống. Nó tự rơi xuống, đó chính là quá khứ, đó chính là đứa trẻ hờn dỗi trong bạn.

Bạn muốn nói điều gì đó với cha mình; giờ ông ấy đã chết, giờ không có cách nào để nói với ông ấy. Hoặc bạn muốn xin ông ấy tha thứ cho một điều gì đó mà bạn đã làm mà ông ấy không thích, nhưng cái tôi của bạn đã xuất hiện và bạn không thể xin ông ấy tha thứ; giờ ông ấy đã chết, giờ không thể làm gì được nữa. Phải làm gì? Hãy quay lại đó, hãy gặp lại cha mình, hãy trải qua toàn bộ sự việc một lần nữa, nhưng bây giờ đừng để bất cứ điều gì làm bạn xao nhãng. Đừng để cái tôi của bạn xuất hiện. Hãy để toàn bộ quá trình được hoàn thành. Và thêm một lần nữa, có cái gì đó rơi xuống. Đó chính là quá khứ của bạn. Quá khứ của một đứa trẻ hối hận, tội lỗi trong bạn.

Khi mà mọi thứ trong quá khứ được hoàn thiện, quá khư đơn giản là sẽ không đeo bám nữa, nó không trồi lên bất chợt, chúng không gào thét đòi hoàn thành. Chúng không mất đi, quá khư không mất đi, chúng tự do, chúng nhẹ nhàng, chúng không đeo bám ai. Và bạn cũng vậy, bạn tự do với quá khứ, bạn không còn bị đeo bám và bạn có thể gọi lại chúng bất kể khi nào bạn muốn. Khi bạn muốn, bạn sẽ lại là đứa trẻ, lại là thanh niên, lại là người tình, lại khóc, lại cười nhưng không phải tiếng khóc của uẩn ức, nọ cười của sự khổ đau, đó là tiếng khóc, nụ cười của sự trọn vẹn.

Đó là lúc bạn đã tốt nghiệp lớp mẫu giáo thực sự.

Và quan trọng hơn, một người ch mẹ đã tốt nghiệp lớp mẫu giáo thực sự sẽ biết cách để dành cho con mình những gì trọn vẹn, không can thiệp, không phá vỡ, không đập nát những khoảnh khắc cần sự trọn vẹn của con, để nhữung đứa trẻ đó lớn lên không còn bị đeo đẳng bởi quá khứ không trọn vẹn, không còn là nạn nhân của những kêu gào đòi hoàn thiện từ quá khứ. Chúng trưởng thành mỗi ngày trong sự trọn vẹn.

Tại một góc trong lớp mẫu giáo, cậu bé đưa cho cô bé một chiếc kẹo mà cậu đang ăn dở. Cô bé sung sướng, hồ hởi nhận lấy và ăn nốt phần còn lại của món quà. Đang ăn, cô bé bỗng trở nên sợ hãi quay sang hỏi cậu bé.

- Mẹ tớ bảo cấm không được ăn đồ của con trai. Nhưng tớ đã trót ăn rồi. Thế lỡ tớ có em bé thì sao?

- Thì đẻ chứ sao. Cậu bé trả lời chắc nịch. Cứ ăn tiếp đi, đừng để nỗi sợ làm mất đi niềm vui. Khi đó cả ba chúng ta cùng đi mẫu giáo.

 

Comments