Về sự nóng giận (P2). Kìm nén là bản lĩnh???

 


kìm chế có thực là bản lĩnh



Đây là bài thứ 2 trong chủ đề Về sự nóng giận, bạn nên đọc phần 1 trước khi đọc bài này.

Điều gì xảy ra khi một người 'Nuốt giận vào trong"

Các yếu tố gây nên cảm xúc giận dữ có ở khắp mọi nơi, ở thế giới tự nhiên, ở thế giới con người, ở văn hóa, tín ngưỡng, niềm tin, giá trị khác biệt giữa những cá nhân khác nhau, cộng đòng khác nhau...bạn và không ai có thể kiểm soát được những yếu tố gây nên cảm xúc giận dữ đó. Và khi nó đến với bạn, bạn có thể ném nó ra ngoài càng xa mình thì càng tốt, có thể mặc kệ nó hoặc có thể nuốt nó và trong sâu thẳm tâm thức của mình. Và khi bạn đã ném nó ra ngoài, nó có thể đạp vào người khác để rồi bạn phải trả giá, và sự trả giá đó khiến bạn lại bùng lên cơn giận khác. Nó không ổn chút nào đúng không. Và xã hội thì nói, 'Hãy kiểm soát bản thân bạn,' những chuyên gia tâm lý, đạo đức, hành vi… nói với bạn rằng “nóng giận là bản năng, kìm nén mới là bản lĩnh”. Họ muốn bạn kiểm soát, họ muốn bạn kìm nén, và món quà bạn nhận được từ sự kìm nén là danh hiệu "Bản lĩnh". Bạn muốn mình là người bản lĩnh, ai lại không muốn mình là người bản lĩnh cơ chứ.


Điều gì xảy ra khi một người kìm nén cơn giận, kìm nén cảm xúc giận dữ để trở thành người bản lĩnh? Đó là khi người đó kéo cảm xúc giận dữ từ bên ngoài, ở cái chu vi vào bên trong họ, gần với trung tâm hơn để chu vi được trở nên tĩnh lặng. Cảm xúc giận dữ đó, chất độc đó nó không mất đi, nó chỉ được giấu vào bên trong, và nó cứ ở đấy. Lúc đầu nó nằm trong một góc nhỏ khuất bên trong, góc vô thức của họ. Và khi người đó cứ làm điều đó mỗi ngày, những cảm xúc giận dữ đó ngày càng nhiều lên, ngày càng nén chặt hơn, ngày càng lùi sâu hơn và đến mức nó tiến sát vào trung tâm, tiến sát bản chất của họ. Sự giận dữ đã đi vào trung tâm, hòa vào bản chất. Lúc này, họ đơn giản là một khối cảm xúc giận dữ không hơn. Họ là sự giận dữ. Họ không có khoảnh khắc nào là không có cảm xúc giận dữ. Trước kia thỉnh thoảng họ có cảm xúc giận dữ, thỉnh thoảng họ thể hiện sự giận dữ, còn lúc này họ là một khối cảm xúc giận giữ. Trước kia họ chỉ trở nên giận dữ khi có lý do, bây giờ họ luôn giận dữ và chưa bùng nổ vì chưa có lý do để bùng nổ. Và vì thế, họ sẽ đi tìm lý do để bùng nổ. Họ sẽ đi tìm lý do. Và tìm lý do thì chưa bao giờ là việc khó. Họ có thể tìm thấy lý do ở bất kỳ chỗ nào.

Và vì họ luôn tìm thấy lý do nên sự bùng phát cũng xảy ra liên tục, nhưng là sự bùng phát của người “có bản lĩnh” chứ không phải là “bản năng” nên sự bùng phát đó xảy ra bên trong và thể hiện ra bên ngoài không giống như những thứ “bản năng” thường thấy. Động vật giận giữ thì chủ yếu dùng miệng và móng vuốt để bộc lộ. Con người theo nghĩa “bản năng” cũng vậy, dùng miệng và tay. Con vật giận dữ sẽ dùng miệng để cắn xé, cấu xé mọi thứ xung quanh nó, dùng miệng để hú lên những tiếng hú ghê sợ. Con người giận dữ dùng miệng để nói, để chửi, để la hét, và đôi khi dùng tay chân để đánh đấm, cào cấu… Nhưng người nuốt giận vào trong, người “bản lĩnh” thì khác, họ ít dùng miệng hơn, ít dùng tay hơn (và nếu dùng họ sẽ dùng theo cách khác), họ dùng những hành động kín đáo khác với khuôn mặt dường như tĩnh lặng và thậm chí mỉm cười.

Họ có thể bùng nổ sự tức giận bằng cách ly hôn người họ đã từng yêu với lý do chỉ là vì đã kết hôn (như luât sư đã nói, chỉ lý do đã kết hôn là đủ để ly hôn). Họ có thể bắt con họ chơi đàn cả 3 tiếng đồng hồ trong nước mắt bởi lý do cô bé đó thiếu sự kiên nhẫn. Họ có thể vui vẻ cắt bỏ toàn bộ hoa trong vườn vì mùi hương đó có thể khiến một trong số những người hàng xóm khá xa bị dị ứng. Họ có thể đẩy con vào hết chùa này đến chùa khác để theo học những khóa tu triền miên chỉ vì đứa trẻ này dám đánh bạn cùng lớp, như thế là bạo lực và thiếu lòng nhân. Họ có thể phạt chúng quỳ nửa ngày vì đưa tăm cho bà nội với chỉ một tay…Sự bùng nổ của họ luôn là một hành động nào đó khoác trên mình tấm áo đạo lý, gắn với một lý do hết sức nhân văn…Và bây giờ bạn sẽ rùng mình khi nghĩ: nếu một người nuốt giận vào trong mà có trong tay nhiều quyền lực, họ sẽ trở nên nguy hiểm với người khác và với họ đến mức nào.

Nhưng dù họ có “bản lĩnh” tới đâu thì họ vẫn giữ những dấu ấn di truyền của động vật. Họ cũng sẽ dùng miệng để thể hiện sự giận dữ. Họ không la hét, tất nhiên, họ không cắn xé đồng loại hay những thứ bên ngoài khác, tất nhiên. Nhưng họ vẫn sẽ dùng miệng để bùng phát sự giận dữ mỗi ngày vì họ giận dữ mỗi ngày. Họ sẽ dồn sự giận dữ vào thức ăn. Họ dùng miệng để dồn sự giận dữ vào thức ăn bởi họ ăn mỗi ngày. Họ sẽ ăn với sự giận dữ. Họ ăn trong sự giận dữ.

Sẽ rất hữu ích và thú vị nếu chúng ta quan sát, so sánh giữa người bình thường, người ăn một cách bất bạo hành và người “bản lĩnh”, người nuốt giận vào trong khi ăn. Hãy thử xem bạn sẽ thấy rất khác biệt. Một người bình thường khi ăn, anh ấy có thể ăn thịt, nhưng anh ấy ăn một cách bất bạo động. Một người kìm nén cảm xúc khi ăn, anh ấy có thể chỉ ăn rau và trái cây, nhưng vì cơn giận đang bị kìm nén trong anh, anh ấy sẽ ăn một cách hung bạo, hung bạo trong cả sắc thái khi gắp và khi nhai và khi nuốt.

Một người kìm nén cảm xúc, nuốt giận vào trong luôn chờ để được ăn. Vì chỉ qua việc ăn uống, răng miệng mới giúp họ giải tỏa được sân hận. Họ nghiền nát thức ăn như thể đây là kẻ thù. Và hãy nhớ, nó rất giống con vật khi giận dữ.  Bất kì khi nào con vật giận dữ, chúng sẽ làm gì? Chúng không có vũ khí, chúng không có bom nguyên tử, chúng có thể làm gì được ngoài móng vuốt và bộ răng. Chúng sẽ cào cấu và cắn xé. Người giận giữ cũng vậy, nhưng họ không thể cào cấu, cắn xé người khác, và vì thế họ trút giận vào thức ăn. Và “một miếng thịt, “một con mực dai”, 'một miếng bánh mì', 'một miếng thức ăn', 'một vài miếng' sẽ là đối tượng để họ trút vào đó sự bùng nổ…

Bạn sẽ thấy họ ăn thức ăn một cách hung bạo, dường như thức ăn là kẻ thù. Và hãy nhớ, khi thức ăn là kẻ thù, nó không THỰC SỰ nuôi dưỡng họ, nó nuôi dưỡng tất cả những gì bệnh hoạn trong họ. Những người có lòng tức giận bị kìm nén sâu sắc sẽ ăn nhiều hơn bởi họ luôn có nhu cầu trút giận, họ cứ tích tụ mỡ không cần thiết trong thân thể, và vì thế những người nuốt giận vào trong thường hay béo. (Tôi phải nói rất rõ điều này, những người đó thường hay béo chứ không phải người béo thường là người nuốt giận vào trong, hai cái đó khác nhau, nên nó không phải là miệt thị hay chụp mũ người béo). Và bạn có quan sát thấy rằng người béo (đó) gần như bao giờ cũng mỉm cười không? Cười một cách không cần thiết, cho dù không có nguyên nhân, người béo (đó) bao giờ cũng cứ mỉm cười. Tại sao? Đây là khuôn mặt của họ, đây là chiếc mặt nạ: họ sợ giận dữ và bạo hành của mình tới mức họ phải giữ khuôn mặt tươi cười liên tục trên mình - và họ cứ ăn nhiều hơn.

Bạn có bao giờ thắc mắc, các con vật sống hoàn toàn trong tự nhiên hầu như không bao giờ quá béo dù thức ăn của chúng có dồi dào đến mức nào. Chúng không bao giờ quá béo. Đó là bởi con vật không nuốt giận vào trong. Khi giận dữ chúng cào cấu, cắn xé nhưng chúng không ăn. Khi ăn chúng cắn xé nhưng không giận dữ, hai cái cắn xé rất khác nhau. Chúng ăn theo nhu cầu và dừng ăn khi đã no, chúng không ăn để trút giận, không ăn vì giận dữ và ăn trong giận dữ. Và vì thế chúng hầu như không bao giờ quá béo.

Ăn như một hình thức bạo hành là chưa đủ, cách thức này sẽ dần di chuyển  theo mọi cách, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống của bạn: Nếu bạn là người "bản lĩnh" ấy thì khi bạn làm tình, nó sẽ giống bạo lực hơn là yêu, nó sẽ có nhiều hung hăng trong đó. Bởi vì bạn không bao giờ quan sát mình khi làm tình, bạn cũng không quan sát đối phương khi làm tình nên bạn không biết điều gì đang xảy ra, và bạn không thể biết điều gì đang xảy ra với mình bởi vì bạn hầu như luôn luôn hung hăng quá mức. Đó là lí do tại sao cực khoái sâu sắc thông qua tình yêu không thể đạt được - bởi vì trong thâm tâm bạn sợ rằng với sự hung hăng đó, bạn có thể giết vợ mình hay giết người yêu của mình, hay vợ có thể giết chồng hay người yêu. Bạn trở nên sợ cơn giận của chính mình!

Tất nhiên người nuốt giận vào trong không thể biết mình là một khối giận dữ, họ đã đồng nhất với sự giận dữ nên họ không thể tự quan sát sự giận dữ của mình. Họ chìm trong nó nên không nhận ra nó. Nếu bạn muốn thử xem mình có là họ không, lần tới khi bạn ăn, khi bạn làm tình, hãy quan sát, hãy để một tấm gương để quan sát. Hãy quan sát khuôn mặt mình để bạn có thể thấy điều gì đang xảy ra với khuôn mặt ấy! Tất cả những biến dạng của sân hận và hung hãn sẽ hiện diện ở đó. Và khi đó bạn sẽ rùng mình, trời ơi, khi giận dữ bị chôn vùi nó mới đáng sợ làm sao! Giận dữ đã đi sâu tới mức ngay cả tình yêu, một hoạt động hoàn toàn đối lập với giận dữ cũng đã bị đầu độc; ăn uống, một hoạt động tuyệt đối trung tính, thậm chí còn bị đầu độc. Thế rồi bạn thấy bạn vừa mở cửa đã có giận dữ, bạn đặt cuốn sách lên bàn đã có giận dữ, bạn cởi giày ra đã có giận dữ, bạn bắt tay đã có giận dữ - bởi vì bây giờ bạn là hiện thân của giận dữ.

Osho đã nói Qua sự kìm nén, tâm trí trở nên bị chia rẽ. Phần bạn chấp nhận trở thành ý thức, và phần bạn phủ nhận trở thành vô thức. Sự phân chia này không phải là tự nhiên, sự phân chia xảy ra do bị đàn áp. Và khi bạn cứ ném mọi thứ rác rưởi mà xã hội bác bỏ vào vô thức thì càng ngày những thứ rác rưởi đó càng trở thành một phần của bạn: nó đi vào tay bạn, vào xương bạn, vào máu bạn, vào nhịp tim bạn. Bây giờ các nhà tâm lý học nói rằng gần tám mươi phần trăm bệnh tật là do cảm xúc bị kìm nén gây ra: nhiều cơn suy tim thế có nghĩa là có quá nhiều giận dữ đã bị kìm nén trong tim, nhiều hận thù đến mức trái tim bị đầu độc.

Bạn đã bao giờ bị ngộ độc thức ăn chưa? Bạn đã từng say rượu chứ? Lúc đó bạn chỉ muốn nôn ra. Nhưng đang ở trong quán, có nhiều bạn bè, nhiều quan khách, nhiều người và bạn đã được dạy về “lịch sự, chịu đựng, bản lĩnh” Bạn sẽ kìm nén phải không. Bạn là người bản lĩnh mà. Bạn không nôn ra, bạn nuốt nó vào trong, bạn lết về nhà. Và ở nhà bạn có thể nôn ra để người nhà bạn dọn. Thật tệ. Nhưng tệ hơn, bạn không nôn ra ở nhà, bạn tiếp tục nuốt nó vào trong và bạn tiếp tục say, tiếp tục u mê và làm đủ trò trong cái sự u mê ấy để người thân, vợ, chồng, con cái bạn hứng chịu nó. Và còn tệ hơn nữa, những chất độc trong rượu đó ngấm vào bạn, ngấm mãi vào tim, gan, thận, thậm chí xương tủy của bạn để bạn ngày càng trở nên bệnh tật hơn…

Nóng giận cũng chỉ là một chất nôn của tinh thần, bạn có thể nôn nó ra, nhưng xã hội muốn kiểm soát nó. Và vì thế họ nói “Nóng giận là bản năng, kìm nén là bản lĩnh”. Và thế là bạn lại nuốt nó vào để trở thành người bản lĩnh. Họ có quan tâm đến cái “bản lĩnh” của bạn không? Không! Họ chỉ không muốn bạn nôn ra vì bạn có thể vào họ, nôn ra chỗ của họ. Thế thôi. Bạn cứ việc nuốt cái chất nôn ấy vào người cùng với bản lĩnh của bạn, bạn có ra sao thì điều đó đối với xã hội cũng chẳng hề gì.

Bạn cứ tiếp tục kìm nén đi, kìm nén là bản lĩnh, nhưng đó là bản lĩnh để...tự tử.

Bạn sẽ không bao giờ nhận ra đực điều đó, trừ khi bạn tỉnh thức!


Comments