Bài viết này bàn về ngôn ngữ ư? Không, không phải thế. Nó bàn về nhận thức. Nó gợi mở cho ta thấy nguyên nhân vì sao ta thường rơi vào hỗn loạn trong suy nghĩ, hành động, cảm xúc, tư duy và nhận thức.. Luôn có sự hỗn loạn!
Nếu
bạn đọc tôi rồi bạn thấy rằng tôi rất ít khi chèn ngôn ngữ khác tiếng Việt
trong khi viết, nhưng hôm nay tôi buộc phải dùng nó, không phải trong lĩnh vực
ngôn ngữ, ngữ pháp mà là để nói về nhận thức, đời sống thường ngày.
Bất kể ai, không cần là người giỏi hay biết sử dụng tiếng anh thành thạo đều có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa I và ME, nhưng tự nhiên tôi nhận thấy trong ngôn ngữ tiếng việt của mình tôi không thể tách được I và ME ra khỏi nhau, kể cả khi viết và khi nói, dù tôi có cố gắng thế nào. Nếu một câu có cả I và ME, bạn sẽ không thể dùng hai từ khác nhau để diễn tả hai từ khác nhau đó. thật rắc rối phải không? Cùng lắm là bạn có thể dùng từ "chính tôi, chính mình.." nhưng để phân biệt với người khác chứ không phải để phân biệt với "Tôi". Không tin bạn cứ thử. Vì thế, I và ME, không có cách nào khác, chúng buộc phải đồng nhất.
Tại sao tự dưng tôi lại nó về ngôn ngữ khi tôi không phải là nhà ngôn ngữ và tôi cũng
chả hứng thú gì về nó. Ngôn ngữ là đời sống, nó sinh ra để phục vụ nhu cầu của
đời sống, từ nào không phục vụ nhu cầu nó sẽ không xuất hiện hoặc nó sẽ chết.
Người việt mình không có nhu cầu phân biệt I và ME nên không có từ tương đương
để phân biệt nó, nó là một, nó là đồng nhất. I và ME phải là một. Đó là đời sống
của người Việt chúng ta.
Và
nó gây ra những hậu quả khôn lường trong đời sống tâm thức người Việt, trong bạn,
trong tôi.
I là Tôi, là cái Tôi trong câu hỏi mà các triết gia vĩ đại đã đặt ra; “Tôi là ai, hay chính xác hơn, Tôi là cái gì” và dùng cả mấy nghìn năm để đi tìm câu trả lời cho nó. Bất chấp người ta có tìm ra trả lười hay không, nó vẫn tồn tại, Tôi (I) tồn tại bất chấp có được nhận ra hay không. Nó là bản chất.
ME, chính là cái tôi chịu tác động, cái tôi được phản ánh, nó là hình ảnh của bạn trong con mắt của chính bạn, trong suy nghĩ của chính bạn, trong nhận thức của chính bạn và (hoặc) nó là bạn trong con mắt, trong nhận thức, trong suy nghĩ của người khác. Vì thế nó có thể là tính cách của bạn, tâm trạng của bạn, đức tin của bạn. Nó cũng có thể là nhãn dán của bạn, là người giầu, người thành công, người tốt bụng, người giỏi giang, người nóng tính, người đau buồn…vv và vv.
Khi
chúng ta không phân tách được hai thứ khác nhau này I và ME, chúng ta đồng nhất
nó. Và điều đó nó gây ra điều gì?
Nếu
ai đó bị ung thư và tôi không quen biết người đó thì tôi cũng không bị ảnh hưởng
gì nhiều. Nếu tôi có tình yêu và sự nhạy cảm, có thể tôi sẽ giúp nhưng tôi
không bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc. Và vì không bị ảnh hưởng về cảm xúc, tôi có
thể giúp họ với sự sáng suốt của tôi và họ có thể được hưởng lợi từ điều đó. Nhưng
khi tôi bị ung thư, tôi không thể giúp tôi như tôi giúp người khác về cảm xúc.
Bởi tôi (I) đã đồng nhất với tôi (ME), tôi là một người đau buồn, tôi là một
người chán nản, tôi là một người buông xuôi, và vì thế tôi không thể giúp một
người đau buồn, chán nản, buông xuôi thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực đó. Và điều
gì sẽ xảy ra khi Tôi (I) tách được ra khỏỉ cái Tôi (ME) đầy cảm xúc đó. Khi điều
đó xảy ra với bạn, bạn tách được chúng ra, bạn sẽ tự quan sát mình và tự giúp mình, bạn không cần bất kỳ một ai để giúp
bạn trong tình huống của mình.
Cũng
tương tự như vậy, nếu bạn sắp phải trải qua một kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời,
tất nhiên tôi cũng sẽ không bị ảnh hưởng mấy. Tôi có thể khá triết lý về điều đó
và nói với bạn, 'Chà, bạn càng lo lắng về nó thì mọi chuyện sẽ càng trở nên tồi
tệ hơn. Tại sao không nghỉ ngơi thay vì học hành? Tại sao không tĩnh tâm, tại
sao phải lo lắng. Đừng để tương lai trở thành nỗi lo lắng của bạn. Hãy tập
trung vào hiện tại, mọi chuyện sẽ tốt đẹp'. Thật sáng suốt phải không! Nhưng đến lượt tôi đi thi thì lại là chuyện
khác phải không? Lý do là Tôi (I) đã đồng nhất với cái Tôi (Me), và thậm chí cả những
thứ tương tự như “Của tôi” – gia đình của tôi, đất nước của tôi, tài sản của
tôi, thân thể của tôi, danh tiếng của tôi. Và những gánh nặng ấy có thể đánh gục
tôi thậm chí trước khi tôi bước vào phòng thi. Thật tệ hại.
Một bạn của tôi làm việc trong lĩnh vực y tế, anh ấy đi kiểm tra về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học. Trong một buổi đi kiểm tra ở một trường tư rất lớn thuộc sở hữu của một vị tai to mặt lớn. Anh ấy nhận xét trong buổi họp sau kiểm tra rằng: “Thức ăn ở đây hôi quá, nó không được tươi”. Một chuyên gia dinh dưỡng của trường đó lập tức đứng lên và nói. “Tôi là tiến sỹ dinh dưỡng, tôi là chuyên gia, bất cứ ai chê thức ăn của tôi là chê tôi, tấn công thức ăn của tôi đều là tấn công tôi. Và tôi cảm thấy bị đe dọa.” Thật khủng khiếp phải không, họ giờ còn đồng nhất cái tôi của họ cái “tiến sỹ” của họ, cái “chuyên gia” của họ và cả “thức ăn” của họ. Và họ bị đe dọa. Thực tế, cái ‘Tôi- I’ không bao giờ bị đe dọa; chỉ có cái "Tôi- ME’, cái “Của tôi” mới bị đe dọa mà thôi. Và khi không phân tách được, các bạn biêt đấy, chiến tranh xảy ra từ những thứ nhỏ nhất.
Có
một câu chuyện thế này, Thánh Teresa Avila nói rằng vào cuối đời, Thiên Chúa đã
ban cho bà một ân sủng phi thường. Bạn biết đó là ân sủn nào không? Đó là bà được
ban khả năng “không đồng nhất với chính mình.” Đó chính là khả năng tách cái I
(Tôi) ra khỏ cái Tôi (ME).
Tại
sao đến một vị thánh cũng coi đó là một ân sủng, bởi khi tách được cái tôi (I)
khỏi cái tôi (ME), tôi có thể quan sát mọi thứ bên trong và bên ngoài tôi và
khi có điều gì đó xảy ra với tôi, tôi có thể xem nó như thể nó đang xảy ra với
người khác, không bình luận, không phán xét, không thái độ, không can thiệp,
không cố gắng thay đổi, chỉ hiểu. Khi bạn làm điều này, bạn sẽ bắt đầu nhận ra
rằng bạn ngày càng không đồng nhất với cái “TÔI- ME”.
Thế điều đó có giống với sự vô cảm không? Bạn
có thể hỏi câu hỏi đó. Câu hỏi chính đáng. “Ví dụ -bạn nói, khi ai đó đang làm
tổn thương một đứa trẻ và tôi thấy sự lạm dụng đang diễn ra, chẳng lẽ tôi không
nên làm gì cả.” Tất nhiên là không phải vậy. Tôi đã nói rằng nếu bạn không có
những cảm xúc tiêu cực thì bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn, hiệu quả
hơn rất nhiều. Bởi vì khi những cảm xúc tiêu cực ập đến, bạn sẽ mù quáng. Bạn
sẽ hành động đúng đắn hơn rất nhiều, tốt hơn rất nhiều nếu bạn là người lạ, nếu
bạn không coi đó là con bạn, bạn sẽ hành động khách quan và đúng đắn. Chắc chắn
thế. Khi bạn để cái 'Tôi' bước vào bức tranh và mọi thứ trở nên rối tung. Trước
đây chúng tôi có một vấn đề, bây giờ chúng tôi có hai vấn đề. Nhiều người lầm
tưởng rằng việc không có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, oán giận và ghét
bỏ có nghĩa là bạn không làm gì trước một tình huống. Ồ không, ồ không! Bạn
không bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc nhưng bạn bắt đầu hành động. Bạn trở nên rất
nhạy cảm với mọi thứ và mọi người xung quanh bạn. Điều giết chết sự nhạy cảm là
điều mà nhiều người gọi là cái tôi có điều kiện: khi bạn đồng nhất với tôi (ME)
đến mức có quá nhiều cái tôi (ME) trong đó khiến bạn không thể nhìn mọi thứ một
cách khách quan, với sự tách biệt. Điều rất quan trọng là khi bạn bắt tay vào
hành động, bạn có thể nhìn mọi thứ một cách khách quan. Nhưng những cảm xúc
tiêu cực ngăn cản điều đó. Khi bạn tách cái Tôi (I) khỏi cái Tôi (ME) bạn sẽ
hành động chứ không phải là phản ứng.
Có câu chuyện như thế này, một con chó già
thấy một con chó thanh niên cư chạy vòng vòng không nghỉ, nó mới hỏi con chó
thanh niên đó: sao cháu cứ chạy lòng vòng thế. Con chó thanh niên nói: Cháu học
về tâm thức, thầy bảo hạnh phúc nằm ở cái đôi, nên cháu đang cố gắng để túm
được nó. Con chó già nói: Đúng là hạnh phúc nằm ở cái đuôi, vì thế cháu không
cần đuổi theo nó, nó vẫn ở đó dù cháu đứng im.
Điều quan trọng không phải là chúng ta túm
được nó vì nó vẫn ở đó, mà là chúng ta nhìn thấy nó, quan sát nó, tận hưởng nó-
cái đuôi ấy. Nhưng làm sao chúng ta quan sát được mình khi mà ta (I) đồng nhất
với ta (ME). Khi mà tôi không phân tách, nó vẫn ở đó và tôi sẽ chẳng thể thấy
gì.
Tôi (I) vẫn luôn tồn tại, TÔI là TÔI, không
lớn và không nhỏ. Tôi (ME) thay đổi liên tục, mỗi phút giây. Và vì thế nó cần
sự phân tách.
Nếu xét về mặt logic ngôn ngữ, đời sống người
Việt không có nhu cầu tách nó ra nên không có từ riêng dành cho nó. Và bây giờ bạn đã nhận ra
rằng có ở đâu trên thế giới này mà cái tôi nó nhiều như ở ta không. Tôi được so
đo suốt cuộc đời xem TÔI lớn hay TÔI nhỏ. Cái tôi được trưng ra mọi lúc mọi nơi
để tự hào, để ca ngợi, để tán thán, để dè bỉu, để phán xét, để dọa dẫm: Tự hào
quá tôi ơi, Ông ấy có cái tôi lớn quá; Dẹp bỏ cái tôi đi, Thằng ý thì có cái
tôi thôi, Mày vứt cái tôi của mày ở đâu rồi?; Ông có biết tôi là ai không???
Sẽ thế nào nếu tôi được ban một ân sủng để không gọi những thứ này là Tôi? Tôi sẽ bị tách ra; Tôi sẽ không được xác định danh tính. Đó là ý nghĩa của việc đánh mất bản ngã, phủ nhận bản thân, chết đi bản thân mình.
Comments
Post a Comment