Khất thực- Ý nghĩa, Sự thật và những chiêu lùa gà.

 

Khất thực




Khất thực là gì?

Khất thực, hiểu theo nghĩa của từ ngữ đơn thuần không có gì khác là XIN ĂN, ăn để nuôi dưỡng cơ thể, sự sống bằng thực phẩm xin được. Không có nghĩa nào khác. Vì vậy người khất thực chỉ xin thực phẩm ăn được, không xin những thứ khác: Tiền bạc, của cải, vật dụng… Nếu lấy thứ khác thì không còn là khất thực nữa. Bất chấp tất cả những lý luận cao siêu hay khôn khéo của bất kỳ ai, xin thứ ngoài thức ăn sẽ không phải là khất thực.

Có tu sĩ học theo Phật nào ĐI KHẤT THỰC không?

Xin trả lời là KHÔNG! Không có tu sĩ học theo Phật nào ĐI KHẤT THỰC cả.

Bạn có thể phản đối ngay lập tức điều tôi nói. Thích Minh Tuệ, ngài ấy vẫn đi khất thực đó thôi. Ồ không, tỳ kheo ấy không đi khất thực, ông ấy đang đi tu, tức là đi học, học theo đức phật, vậy thôi.

Đi khất thực có nghĩ là ĐI ĐỂ XIN ĂN, mục đích chính, mục đích cốt lõi của đi là để xin ăn. Khi đi với mục đích là để xin ăn, khi đó người ĐI KHẤT THỰC chính là NGƯỜI ĂN XIN, không có bất kỳ sự khác biệt nào khác.

Người tu sỹ rời nơi tu tập, bước xuống đường để tiếp tục Tu, tiếp tục học bởi Tu là Học, học theo phương pháp khác. Họ xuống đường hoàn toàn không phải mục đích cốt lõi là xin ăn, họ ĐI HỌC chứ không phải đi xin ăn. Vì thế sẽ không có cái gọi là nhà sư ĐI KHẤT THỰC. Nếu một nhà sư ĐI KHẤT THỰC, thì chúng ta đã đồng hóa họ với một người ĂN XIN, không có gì khác.

Bạn cũng có thể giải thích rằng, họ chỉ mượn việc khất thực để giảng dạy cho người đời những triết lý nhà Phật, gieo vào lòng người sự từ bi, lòng trắc ẩn… Không phải vậy, bởi nếu vậy họ là NGƯỜI TRUYỀN GIÁO, họ đi TRUYỀN GIÁO chứ không phải đi khất thực. Một nhà sư đang trong quá trình tu tập (học) sẽ không chủ động truyền giáo trên đường. Họ không phải là người truyền giáo lúc này.

Người tu sỹ, người học theo Phật bước chân xuống đường, rời khỏi nơi tu tập là để tiếp tục với việc Tu, tức là học, nhưng theo phương pháp khác. Họ đi để Tu, họ đi để học, họ đi để hòa vào cuộc sống, để siêu việt những kiến thức, những suy niệm, những câu chữ, ngôn từ họ đã học được từ kinh sách, từ thầy, từ suy niệm của họ. Bằng cách đó, những kiến thức vay mượn trở thành tâm thức, trở thành hạnh, hòa quyện với chính họ và trở thành họ.

Và vì thế, không có lý do gì để gọi việc xuống đường của họ, việc đi của họ là ĐI KHẤT THỰC, một nhà sư học theo PHẬT, không bao giờ ĐI KHẤT THỰC. Họ đi Tu, họ đi Học.

Hiểu được điều này rất quan trọng. Đặc biêt quan trọng. Luật pháp có thể cấm người ta đi ăn xin, ĐI KHẤT THỰC, chứ không có luật nào cấm người ta đi học cả. Hãy nhìn lại sự việc tỳ kheo Thích Minh Tuệ, bạn sẽ rõ hơn việc này.

Và trong hành trình đi học ấy, họ không có gì để ăn, và họ xin ăn. Xin để ăn là một phương tiện để họ duy trì sự sống trước tiên, để họ có thể tiếp tục học. Khất thực (xin ăn) vì thế trở thành một phương tiện của người Tu, không phải là mục đích của chuyến đi.

Nhưng khi họ xin để ăn, phương tiện này lại giúp bản thân họ rèn luyện nhiều đức hạnh mà họ cần rèn luyện. Giúp họ chuyển hóa những kiến thức về đức hạnh thành đức hạnh, đó là đức nhẫn nhịn, đức kiên trì, đức bao dung, loại bỏ ham muốn vật chất, sống trong hiện tại, không vì lo sợ ngày mai mà tích trữ của cải thực phẩm…

Để việc xin để ăn ngoài việc nuôi dưỡng cơ thể để sống bao hàm thêm những lợi ích phái sinh của nó cho việc học nên việc xin ăn cần tuân thủ những nguyên tắc. Xin để ăn và không tích trữ cho ngày hôm sau để tránh lòng tham, lòng tham thức đẩy sự tích lũy, để rèn lòng bình an không lo lắng về ngày mai sẽ thế nào. Chính vì thế tu sỹ sẽ không xin bất kỳ thứ gì ngoài thức ăn, không xin thực phẩm nữa khi đã ăn 1 bữa trong ngày, từ chối nhận thức ăn dù người ta có mang đến nếu đã ăn rồi. Nếu các nguyên tắc này không được tuân thủ, mọi ý nghĩa học tập có được từ việc xin ăn sẽ tự mất. lúc này nó đơn thuần chỉ là xin ăn để duy trì sự sống, không có bài học nào được chuyển hóa.

Tu sỹ cũng sẽ nhận thức ăn bất kỳ mà người cho đưa tới, không phân biệt loại thức ăn, không nhất thiết đó là đồ chay hay mặn, không phân biệt người cho giầu hay nghèo, già hay trẻ. Điều này giúp rèn lòng biết ơn, sự bao dung, tính bình đẳng, sự chấp nhận vô điều kiện.  Việc ai đó nói nhà sư chỉ nhận đồ chay là không đúng, họ nhận bất kỳ thứ gì. Việc ăn chay hay mặn không là vấn đề, vấn đề là ăn với tâm phật thì mọi thứ đều là phật.

Tu sỹ cũng sẽ không nói gì khi thực hiện xin để ăn. Họ chỉ đứng đó, đưa bình bát và cúi đầu. Họ không rao giảng, không hứa hẹn, không cầu phúc, cầu lộc cho người cho họ thực phẩm. Họ xin mà không hứa hẹn điều gì. Khi điều này được thực hiện, trong họ nảy nở lòng biết ơn bởi họ nhận được món quà từ người cho một cách vô điều kiện. Người cho họ thức ăn cũng nhận được sự an lạc và hạnh phúc từ trong chính tâm của mình khi thực hành lòng từ bi, lòng trắc ẩn vô điều kiện. Họ cho đi mà không đòi hỏi gì, không cầu xin gì, không nhận bất kỳ điều gì, dù chỉ là một câu nói. Người này đến nhà họ một cách tình cờ không sắp đặt, người này hoàn toàn xa lạ, người này có thể sẽ không bao giờ họ gặp lại, người này không nói gì dù chỉ là một câu cám ơn, nhưng họ vẫn cho đi phần thức ăn của mình. Đó chính là ý nghĩa đích thực của sự an lạc có được khi cho đi. Hạnh phúc, sự an lạc luôn đến tình cờ, không sắp đặt, không mong chờ, và nó đã đến gõ của nhà của họ. Đó cũng là lý do những tu sĩ này sẽ từ chối khi ai đó mang thức ăn đến cho họ, họ sẽ đến để xin.

Và những gì bạn thấy ngày nay.

Khi chúng ta thấy những đoàn tăng cũng ba Y, một Bát từng dãy dài chìa bát ra nhận tất cả những thứ gì, bất kể thứ gì mà các “đại chúng”, các “phật tử” nhét vào, chúng ta cần thấy rằng, đó không bao giờ là những tu sỹ đang học theo phật. Họ đang thực hành “Pháp” của riêng họ, họ ĐI KHẤT (không chỉ là) THỰC đúng nghĩa, nghĩa là đi xin ăn, đi xin của cải để thỏa mãn cái tham của họ. Họ không bao giờ khác một kẻ ĂN MÀY, những kẻ đi xin có quyền lực, những kẻ đi xin với cái tôi khổng lồ.

Khi bạn thấy một tu sỹ đến nhà bạn, hoặc ở bất cứ đâu, trên đường, trong lễ hộ phật giáo, trong sự kiện phật giáo hay trong chùa mà chìa bát của họ ra kèm theo rất nhiều thuyết giảng về đạo lý: “Hãy gieo duyên lành, hãy bố thí, hãy cúng dường…Phật tử sẽ nhận được sự an lạc, phật tử sẽ được phúc của từ nhà phật, phật tử sẽ giải được những nỗi đau, sẽ xóa bỏ được tội lôi…”, thì đó không bao giờ là những tu sỹ đang học theo phật. Họ đang thực hành “Pháp” của riêng họ, đó có thể là đang đi mượn phật pháp, dùng giáo lý nhà phật để làm phương tiện trao đổi, thương lượng, mặc cả về việc làm công quả và cái có thể thu về. Việc đó không thể nào khác được so với việc các KOL, các Shark, các tay lái ngoại hạng đang lùa gà… Không thể khác.

Khi bạn thấy những đoàn chư tăng nối đuôi nhau, một Bát, ba Y diễu hành qua hàng ngàn “đại chúng”, “phật tử” quỳ mọp để chờ đến lượt mình được dâng lên họ những thực phẩm chay tốt nhất, những đồng tiền lớn nhất, những món đồ giá trị nhất, đó nhất quyết không là gì khác ngoài một cuộc biểu diễn quy mô lớn của những tay lái ngoại hạng và những kẻ duy lợi. Không có gì khác ngoài một cuộc mua bán. Những người quỳ mọp dâng lễ “cúng dường” kia có gì khác với những người đang háo hức chờ khoản đầu tư của mình được khớp lệnh. Bạn đừng nghĩ chỉ những người cầu mong được lộc lá, được phúc quả từ viêc dâng lễ cúng dường mới à những người hám lợi, cả những người dâng lễ cúng dường để cầu mong sự bình an, thanh thản, hạnh phúc hoặc tệ hơn là xóa đi những mặc cảm tội lỗi cũng không gì khác là những kẻ hám lợi, lợi về tinh thần. Và đó, cuộc diễn diễn đó vì thế chỉ là cuộc mua bán đội lốt từ bi mà thôi.

Tại sao Phật giáo nguyên thủy không bao giờ khuyến khích ai đó ra đường quỳ mọp đợi chờ người tu hành đến để trao thực phẩm. Họ thậm chí coi đó là những rào cản khiến việc học của họ trở nên khó khăn hơn và không có lợi gì cho đại chúng. Việc đó khiến cho tu sỹ dễ bị ảo tưởng nghĩ mình là người quan trọng, cái ngăn cản họ đến với chân lý. Việc đó cũng tạo ra niềm tin sai lầm cho đại chúng, khuyến khích hành vi biến lòng trắc ẩn thành tư lợi và ích kỷ. Khi họ mang thức ăn ra chờ nhà sư, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ hy vọng được một thứ gì từ hành động đó, bất kỳ thứ gì, đó có thể là sự an lạc hay hạnh phúc. Và lúc đó nó sẽ lại là một cuộc trao đổi. Họ chờ đợi, họ sốt ruột, họ lo lắng, họ nghi ngờ và họ căm ghét nhà sư nếu phúc lạc không đến. Và nếu như vậy phúc lạc không bao giờ đến. Phúc lạc chỉ đến một cách tình cờ, nó là hệ quả chứ không phải là kết quả. Nó đến như một vị khách khi ta không trông đợi, không kỳ vọng, không đòi hỏi, nó như một vị khách đến bất chợt rồi ra đi, không để lại bất kỳ điều gì dù chỉ là một câu nói. Bạn vẫn cho đi mà không mong đợi gì, khi đó bạn sẽ nhìn thấy an lạc, sống trong an lạc.

 

Ai nói những điều này?

Bạn có thể hỏi, rất nhiều người có thể hỏi, đặc biệt những người mà cảm thấy niềm tin của mình bị tấn công bởi bài viết này. Họ sẽ hỏi: Ai nói những điều này? Nếu là anh, thì anh là ai? Tôi đọc nát bao nhiêu kinh sách, tôi nghe bao nhiêu những nhà sư lớn đã giảng, tôi đã nhìn thấy rất nhiều, nhưng không ai nói vậy. Đây thưc sự là một sự dối lừa…

Phật nói: đối với Kinh sách, tác giả không quan trọng. Những gì được nói đến mới là những gì quan trọng. ‘Nếu mắt không bị cản trở, nó sẽ có được cái nhìn; nếu tai không bị cản trở thì kết quả là nghe được; nếu mũi không bị cản trở thì kết quả là khứu giác; nếu miệng không bị cản trở, kết quả là vị giác; nếu tâm không bị cản trở, kết quả là trí tuệ, Nếu trái tim không bị cản trở, kết quả là tình yêu.

Nếu bạn còn bi cản trở bời những Thầy chùa của bạn, KOL của bạn, học giả của bạn, giáo sư của bạn thì nói gì cũng chẳng ích gì. Không có gì có ý nghĩa với một người mà ngũ quan đã bị cản trở và cái tâm vẫn đang chìm trong giấc ngủ dài.

 

Comments