6 câu chuyện rất ngắn về nuôi dạy con mà mọi cha mẹ đều nên đọc.

 

câu chuyện về nuôi dạy con


1. Sự hiện diện thực sự và hoàn toàn.

Một ngày nọ, một cậu bé đi học về nhà rất muộn. Bố mẹ cậu rất lo lắng cho cậu, học đã lên trường nhưng không thấy cậu đâu. Cuối cùng khi cậu bé xuất hiện, người mẹ rất lo lắng và bực bội hỏi con trai mình

 "Con đã ở đâu vậy, con chưa từng về muộn như thế này?"

Cậu bé giải thích: “Con dừng lại để giúp một người bạn của con. Xe đạp của bạn ấy bị hỏng giữa đường.”

Người mẹ đã nguôi giận, nhưng bố anh lại hỏi.

“Nhưng con không biết sửa xe đạp,” bố cậu nói. “Thậm chí con còn không biết làm gì khi cái xe của con bị tuột xích”

“Đúng vậy,” cậu bé trả lời.

“Vậy thì việc con ở đó với bạn rồi về muộn không phải là một việc làm vô ích và ngu ngốc sao?” bố cậu giễu cợt.

“Con không biết thưa cha”. Cậu bé buồn bã nói. “Con chỉ biết rằng khi con gặp rắc rối và con khóc con chỉ cần một ai đó ở bên cạnh con, không rời bỏ con. Họ không cần làm gì cả, như thế đã là đủ cho con rồi”

Bố và mẹ nhìn nhau khôn nói nên lời.

Một chút suy nghĩ vụn vặt

Đôi khi trong cuộc sống, vào những thời điểm khó khăn chúng ta không thể làm được gì cho người chúng ta yêu thương. Một cảm giác bất lực và gần như có lỗi có thể xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Nhưng trên thực tế, chỉ sự hiện diện thực sự một sự lắng nghe triệt để, chăm chú, liên tục đã là một thứ gì đó rất đáng giá cho người thân yêu của chúng ta rồi.

Làm cha mẹ hãy hiện diện thực sự bên con và là tấm gương về điều đó.

2. Vì sao tóc mẹ bạc

Một ngày mưa, mẹ và cậu con trai nhỏ có thời gian được ở bên nhau. Cậu bé nhìn lên tóc của mẹ và phát hiện ra những sợi tóc trắng trên mái tóc đen nhánh mềm mại ấy, cậu tò mò hỏi mẹ:

 “Mẹ ơi, tại sao một số tóc của mẹ lại chuyển sang màu trắng?”

Người mẹ muốn biến đây thành một khoảnh khắc giảng dạy nên đã nói với con mình:

 “Đó là vì con, con yêu. Mỗi hành động xấu của con, mỗi lần con không ngoan, không nghe lời mẹ sẽ khiến một sợi tóc của mẹ bạc đi!”

Cậu bé im lặng với vẻ mặt rất suy tư, người mẹ nhìn con mừng thầm trong bụng và nghĩ “một bài học đáng giá đã được truyền đi”. Sau một phút suy tư cậu bé hào hứng nói với mẹ về phát hiện của mình

“Giờ thì con đã hiểu rồi mẹ ạ”

“Con hiểu điều gì con trai” bà mẹ cũn hào hứng không kém

“Bây giờ con đã hiểu tại sao trên đầu bà chỉ có tóc bạc!”

Chút suy nghĩ vụn vặt về câu chuyện

Trong nuôi dạy con cái, thời điểm có thể giảng dạy là rất quan trọng, đó là những thời điểm những bài học luân lý đạo đức vô tình ứng với một sự việc vừa diễn ra. Bài học sẽ dễ dàng được tiếp thụ một cách dễ hiểu và sinh động nhất.

Nhưng hãy nhớ một khoảnh khắc giảng dạy không bao giờ có thể dựa trên sự dối trá, dù nhỏ hay có vẻ tầm thường đến thế nào. Nó sẽ phản tác dụng và thậm chí bạn không thể tiếp tục mở lời.


3. Nhận thức về tuổi thơ và nhận thức của tuổi thơ

Cô bé Hải Chi mới bốn tuổi, đi học mẫu giáo về nhà phàn nàn:

Mẹ ơi, con đau bụng quá.”

Mẹ ôm Hải Chi vào lòng âu yếm vuốt những sợi tóc lòa xòa trên trán lấm tấm mồ hôi của con và nói.

“Đó là vì bụng con trống rỗng con yêu ạ. Con sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi có thứ gì đó trong dạ dày của mình.”

Mẹ Hải Chi lập tức làm cho cô bé một bữa ăn nhẹ rất hâp dẫn. Hải Chi lập tức ăn hết nó một cách ngon lành. Và quả nhiên cô bé cảm thấy dễ chịu ngay lập tức.

Một lát sau có một vị tiến sỹ, bạn của mẹ Hải Chi đến chơi. Trong khi trò chuyện với mẹ của Hải Chi cô tiến sỹ ấy nói rằng cô ấy bị đau đầu suốt cả ngày trong cả tháng nay. Hải Chi ngay lập tức đứng dậy và hào hứng nói với nàng tiến sỹ kia

“Cô có biết tại sao không? “Đó là vì đầu cô trống rỗng cô yêu ạ. Cô sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều khi có thứ gì đó trong đầu của mình.”

Cả mẹ và cô tiến sỹ há hốc mồm ngạc nhiên. Cô tiến sỹ lẩm bẩm “Có phải cô bé này là một vị thiền sư trong huyền thoại chăng??”

Một chút suy nghĩ vụn vặt về câu chuyện

Có phải tất cả chúng ta đều nhìn và nghe mọi thứ qua lăng kính độc đáo của riêng mình không? Nhưng theo thời gian, lăng kính độc đáo của chúng ta bị che mờ thậm chí mát hẳn bởi những định kiến, kiến thức cũ và những thứ theo khuôn mẫu. Và với trẻ em, lăng kính đó thực sự trong vắt. Hãy cố gắng giữ gìn nó cho trẻ hoặc chí ít là đừng bịt nó lại bằng những giáo điều của mình.

Đôi khi những chân lý, những trí tuệ được ra đời đơn giản như vậy đấy. Trẻ em có thể dạy ta những bài học trong veo. Hãy thay đổi thức về tuổi thơ và đón nhận nhận thức của tuổi thơ


4. Sự kiên nhẫn của người mẹ

Một người đàn ông quan sát một người phụ nữ trong siêu thị, cô ta đang để một bé gái ba tuổi ngồi trong giỏ xe đẩy hàng và đẩy nó đi dọc các quầy hàng hóa. Khi họ đi qua khu vực bán bánh quy, bé gái yêu cầu mẹ mua bánh và bà mẹ nói không. Bé gái ngay lập tức bắt đầu la hét và vùng vẫy trong giỏ xe hàng. Mẹ cô cố gắng nói nhỏ nhỏ đủ nghe nhưng lặp lại nhiều lần: "Bây giờ Thanh Hà ạ, bình tĩnh, bình tĩnh, chúng ta đã đi được một nửa hành trình, chỉ còn vài lối nữa, hãy kiên nhẫn, kiên nhân. Sẽ không lâu đâu."

Sau đó, họ đến khu vực bán kẹo, và bé gái bắt đầu la to để đòi mua kẹo. Khi bị từ chối, cô bé bắt đầu khóc. Mẹ của cô lại nói nhưng có vẻ giọng đã to hơn một chút: "Đây, đây, đây… Thanh Hà, đừng cáu, sắp xong rồi - chỉ còn hai lối đi nữa, sau đó chúng ta sẽ thanh toán."

Khi họ đến quầy thanh toán, bé gái ngay lập tức la to để mua kẹo cao su và bắt đầu một cơn giận dữ mới khi phát hiện ra không có kẹo cao su để mua. Mẹ cô bé lại kiên nhẫn nói: "Thôi đi Thanh Hà, đừng cáu, đừng cáu, chúng ta sẽ thanh toán xong trong 5 phút, chỉ 5 phút thôi và sau đó chúng ta có thể về nhà và nghỉ ngơi thoải mái."

Người đàn ông theo sau họ ra bãi đỗ xe và dừng lại để khen ngợi người phụ nữ.

"Tôi thực sự ngưỡng mộ bạn. Tôi không thể không chú ý đến sự kiên nhẫn của bạn với bé Thanh Hà. Ước gì bà mẹ nào cũng có thể kiên nhẫn và bình tĩnh như thế"

Bà mẹ trẻ ngước lên mỉm cười với người đàn ông và nói.

 "Cảm ơn anh đã dành lời khen. Nhưng tên tôi là Thanh Hà… Còn tên của con gái tôi là Thanh Hương.”

 

Một chút suy nghĩ vụn vặt về câu chuyện

Sự thật đầu tiên và quan trọng là Nuôi dạy con, thay đổi hành vi của con phải bắt đầu từ thay đổi chính mình và chắc chắn phải là thay đổi chính mình.

Một người nóng nảy, thiếu kiên nhẫn không thể dạy con mình kiên nhẫn. Đó là sự thật, và vì thế hãy nhắc đến tên của chính mình khi có bất kỳ sự nhắc nhở nào.

Bạn có phải là người kiên nhẫn? Bạn rèn luyện tính kiên nhẫn như thế nào?

Bạn nghĩ mối quan hệ giữa sự kiên nhẫn và đau khổ là gì? À, đúng rồi, giờ tôi đã hiểu hơn một chút về từ PATIENT- Nó là kiên nhẫn, nó cũng là bệnh nhân. Rốt cuộc, kiên nhẫn là phải chịu những thứ như bệnh nhân thôi, và đó là điều cần chấp nhận.

5. Quả táo này ngọt hơn

Một cô bé đáng yêu đang hai tay cầm hai quả táo đỏ đẹp xinh xắn.

Mẹ cô bước vào và mỉm cười nhẹ nhàng hỏi cô con gái nhỏ: Con yêu, con có thể cho mẹ một trong hai quả táo của con được không? Cô gái ngước lên nhìn mẹ trong vài giây, rồi đột nhiên cắn nhanh một miếng táo bên tay phải, rồi nhanh chóng cắn một miếng nữa bên tay trái.

Mẹ cảm thấy nụ cười trên mặt mình đông cứng lại. Cô cố gắng không để lộ sự thất vọng của mình. Sau đó, cô bé đưa một trong những quả táo bị cắn cho mẹ và nói: Mẹ ơi, quả táo của mẹ đây. Nó là quả táo ngọt hơn.

Một chút suy nghĩ vụn vặt về câu chuyện

Cho dù chúng ta là ai, chúng ta có kinh nghiệm như thế nào và chúng ta nghĩ mình hiểu biết đến mức nào, thì việc trì hoãn phán xét, không vội kết luận là điều khôn ngoan, để người khác có được lợi ích từ sự nghi ngờ và cơ hội để giải thích.

Và với con, với việc giáo dục dạy dỗ con, điều đó chắc chắn không thể không nhớ!

6. Mũ của cháu tôi đâu???

Một bà nội theo trường phái vô thần, không bao giờ đặt niềm tin vào chúa, phật hay thần thánh nên chưa từng cầu nguyện trong suốt cuộc đời. Bà luôn tự hào nói “số phận trong tay mình.” Một hôm bà đưa cháu nội 6 tuổi ra bờ biển để tắm. Cậu bé mặc bộ đồ chống nắng và đội mũ, trang bị thùng và xẻng xúc cát, vui vẻ chơi đùa gần mặt nước, xây lâu đài và những hào nước. Khi người bà đang ngủ gật, đứa cháu trai bất ngờ bị cuốn vào một dòng nước ngầm và chẳng mấy chốc đã biến mất. Người bà điên cuồng kêu cứu nhưng trên bãi biển không có ai khác.

Nghĩ rằng mình không còn gì để mất, bà quỳ xuống bãi biển, giơ tay lên trời và cầu nguyện:

“Chúa ơi, Phật ơi, Ông trời ơi… nếu các Ngài tồn tại, nếu Ngài ở đó, xin hãy cứu cháu tôi. Tôi hứa tôi sẽ dành cả cuộc đời còn lại để cầu nguyện. Tôi sẽ làm tình nguyện ở bệnh viện; tôi sẽ dành hết tài sản để từ thiện, tôi sẽ tham gia câu lạc bộ nam, câu lạc bộ nữ, bất cứ điều gì khiến Chúa, Phật, Thánh…hài lòng.”

Và bất ngờ một cơn sóng lớn đẩy đứa trẻ dạt vào bờ cát ngay dưới chân bà. Người bà cuống cuồng ôm lấy cháu cúi xuống để nghe tiếng tim con đập, bà nhận thấy má con đỏ bừng, mắt con mở to. Đứa bé đã được cứu sống một cách kỳ diệu.

Khi chắc chắn cháu đã ổn, không có một chút nguy hiểm nào nữa, bà già nhìn cháu từ đầu đến chân rồi khó chịu, bực dọc, hai tay chống nạnh, ngửa cổ lên trời mà rằng.

“Thật tệ hại, không thể tin được, cháu tôi có đội một chiếc mũ, một chiếc mũ đắt tiền và hữu dụng, vậy bây giờ mũ của nó đâu? Mũ của nó đâu??

Một vài suy nghĩ vụn vặt về câu chuyện

Tôi không bàn đến yếu tố niềm tin hay tôn giáo trong câu chuyện này, xin lỗi nếu nó có vẻ chạm đến điều gì đó liên quan đến niềm tin tôn giáo của người đoc. Câu chuyện này là hài hước và người phụ nữ này không thực sự là một tí đồ nên bà ta có thể nói chuyện, cầu nguyện theo cách của người vô thần như vậy.

Điều tôi muốn đề cập đến là nếu như những yêu cầu, nững mong muốn của một đứa trẻ được đáp ứng một cách quá dễ dàng thì dù món quà có lớn đến đâu thì đôi khi chúng vẫn hành động hoặc đáp lại như thể nó chưa đủ lớn. Chúng chỉ nhìn đến nhữung gì chúng ta chưa làm được và quên ngay những thứ chúng đã được nhận. Và đó chính là sự VÔ ƠN.

Và không chỉ trẻ em, đến người lớn cũng vậy.

Hãy suy nghĩ về việc bạn đã đáp ứng mong muốn của con như thế nào và phản ứng của chúng.

THÌ THẦM xin giới thiệu với quý độc giả những câu chuyện về nuôi dạy con cái. Các bạn cũng có thể click vào Label “LÀM CHA MẸ” để đọc tất cả các câu chuyện trong chủ đề này.

Hãy để lại ý kiến của các bạn trong phần bình luận như một cách để động viên tôi và hãy chia sẻ nó đến mọi người nếu thấy hữu ích.


Comments