Bọn ta ngày ấy- Đối thoại giữa ông và cháu về cuộc sống.

 

Mỗi khi năm học kết thúc và những bảng điểm tổng kết được đưa về cho cha mẹ thì không khí trong gia đình lại trở nên khác lạ. Nó có thể là niềm phấn khích (tạm thời), niềm vui ngắn, hoặc là một không khí phẫn nộ bùng nổ. Nhưng nói chung đó là một không khí có nghiêm túc hơn, nặng nề hơn thông thường bất kể thành tích ấy có tốt như thế nào hoặc tệ ra sao. Không khí nặng nề hơn bởi những dự định nghiêm túc cho tương lai, những cam kết, nhưng lời khuyên, những sự đe dọa và chắc chắn không bao giờ thiếu đó là sự so sánh.

Bữa cơm tối của gia đình, khoảng thời gian hiếm hoi và ngắn ngủi ở hầu hết gia đình hiện nay sẽ trở nên ít vui vẻ hơn với những sự so sánh: so sánh với những tấm gương nổi tiếng, so sánh với bạn bè -con người ta, và phổ biến hơn cả là so sánh với chính bố mẹ ngày trước với những câu mở đầu kinh điển: “ngày xưa á, bằng tuổi con bây giờ á…, Bố lúc đó á…mẹ lúc đó á…”. Và những đứa trẻ tội nghiệp của chúng ta lại cúi đầu xuống hoặc ngẩng đầu lên lơ đãng nhìn đi nơi khác trong khi lặng lẽ ăn…

Bất kể thành tích của con ra sao thì với bố mẹ nó đều chưa thực sự đúng như kỳ vọng. Bố mẹ thường so sánh với những cái mất của mình và đòi hỏi cái “được” từ con phải là tương xứng. Bố mẹ mất bao nhiêu tiền cho thiết bị, phương tiện, điều kiện, môi trường học tập hoàn hảo của con! Bố mẹ mất bao nhiêu thời gian quý giá cho việc học của con? Bố mẹ mất bao nhiêu tâm huyết, lao tâm, khổ tứ, lo lắng, kỳ vọng cho con. Bố mẹ đã gạt bỏ bao nhiêu niềm vui để ở bên con, gạt đi bao sỹ diện để thiết lập các mới quan hệ như một “cửa dưới” với thầy cô, với nhà trường của con? Và từ đó, như một hành động tiếp theo, hết sức tự nhiên bố mẹ sẽ so sánh con với chính mình ngày xưa, những khó khăn vất vả ngày xưa, những gì mình không có ngày xưa và đăt bên cạnh những gì mà con đang có, đang được cung cấp. Và quả thật, những thành tích của con chưa bao giờ là xứng đáng với những gì mà con cần phải đạt được với điều kiện con đang có bây giờ.

Tự nhiên tôi lại nhớ đến câu nói của cố doanh nhân, bậc trí giả, bậc Thầy đáng kính “Phan Thiên Ân- Alan Phan” khi ngài trả lời câu hỏi về con của ngài cũng như những bất lợi của giới trẻ hiện nay. Tôi chỉ nhớ mang máng như thế này: “Con tôi có một cái thiệt thòi rất lớn so với tôi, đó là anh ấy không có được cơ hội để trải nghiệm thực sự, để sống thực sự trong sự khó khăn cùng cực về kinh tế cũng như sự khan hiếm cơ hội trong bầu không khí chật hẹp, tù túng về xã hội như tôi- Cái đã hun đúc cho tôi, cung cấp cho tôi một nguồn động lực mãnh liệt để thoát khỏi nó, để vươn tới sự thịnh vượng và tự do”

Các cha mẹ- chúng ta hiện nay khi so sánh con với mình ngày xưa đã thực sự bao giờ dù chỉ là thoáng qua nghĩ đến những thiệt thòi, những bất lợi, những rào cản mà con chúng ta đang gặp phải so với chính bản thân chúng ta khi đó?? Có lẽ nếu có, chúng ta sẽ nhìn con với đôi mắt khác, với tấm lòng bao dung hơn và đối xử với con khác hơn rất nhiều.

Xin giới thiệu với các bậc cha mẹ một câu chuyện nhỏ, có thể tôi đã đọc nó ở đâu đó trên MXH mà không nhớ rõ, viết lại để nhắc nhở chính mình cũng như cho ai đó đồng cảm.

Nghỉ hè, bố đưa cậu con trai thiếu niên 13 tuổi về quê sống cùng ông nội. Bố hy vọng trong thời gian ngắn đó cậu con trai sẽ được trải nghiệm cuộc sống khác, học được nhiều điều ở nơi đây nơi mà nơi phố thị hỗn loạn cậu không thể có được. Dù như vậy nhưng bố vẫn phải dùng cả thùng xe bán tải lớn để đưa các loại trang thiết bị học tập, đồ chơi cũng như những thứ không thể thiếu của một thiếu niên hiện đại theo cậu bé về với quê nhà.

Vào một buổi chiều mất điện, tất cả những thiết bị mang theo đều trở nên vô giá trị, cậu bé ngồi hóng gió bên hiên nhà với ông nội. Cậu tò mò hỏi ông nội mình:

bọn ta ngày ấy câu chuyện gữa ông và cháu nội


- Ông ơi, ngày xưa khổ lắm phải không ông? Cháu thực sự không hiểu ngày xưa ông sống thế nào. Ông sống thế nào nhỉ khi không có công nghệ, không có máy tính, không có máy bay không người lái, Không flycam, không có bitcoin, không có Internet, không có TV, không có máy điều hòa, không có ô tô, không có điện thoại di động?

Ông nội xoa đầu cháu trả lời:

- Ông cũng như cháu, cũng thực sự không hiểu các cháu đang sống như thế nào. Thế hệ các cháu đang sống như thế nào ngày hôm nay khi gần như không có một chút tự do, không cầu nguyện, không lòng trắc ẩn, không biết kính trọng, không biết ứng xử tử tế, không có một nền giáo dục thật sự, không có sự tử tế của con người, không biết xấu hổ là gì, không biết thế nào là khiêm tốn, không biết thế nào là trung thực và không có lòng biết ơn…

Bọn ta, những người được sinh vào thời kỳ đó và cả bố cháu nữa, luôn luôn thấy mình là những người có phước. Cuộc sống của bọn ta là bằng chứng sống về điều đó.

- Khi chơi và đi xe đạp bọn ta chưa bao giờ cần đội mũ bảo hiểm.

- Sau giờ học bọn ta tự làm bài tập về nhà và bọn ta luôn chơi trên cánh đồng, bờ đê hai bãi sông cho đến khi mặt trời lặn.

- Bọn ta chơi với những người bạn thực sự chứ không phải những người bạn ảo.

- Nếu khát, bọn ta sẽ uống nước từ sông, từ thác nước, từ vòi nước, chứ không phải là những thứ nước khoáng đóng chai.

- Bọn ta chẳng bao giờ lo lắng và ốm đau ngay cả khi uống chung cốc hoặc ăn chung đĩa với bạn bè.

- Bọn ta chưa bao giờ bị cha mẹ cấm cản ăn uống vì sợ tăng cân và sự thật là ta chưa từng thấy bạn bè ta và con của ta có đừa nào tăng cân, béo phì cả.

- Chân của bọn ta chẳng hề hấn gì mặc dù đi đất ngay cả mùa hè hay đó là mùa đông.

- Chúng ta chưa bao giờ phải nhờ đến bố mẹ để giải quyết mâu thuẫn với bạn bè, và chúng ta vẫn giữ được mối quan hệ bạn bè ngay cả khi nhiều người trong số chúng ta không còn nữa.

- Bọn ta chẳng bao giờ dùng thực phẩm chức năng để giữ sức khỏe.

- Bố mẹ bọn ta chưa bao giờ phải mua đồ chơi cho bọn ta. Bọn ta thường tự làm tất cả những thứ đó.

- Cha mẹ bọn ta không giàu có. Họ đã cho bọn ta tình yêu chứ không phải những món quà vật chất.

- Bọn ta chưa bao giờ có điện thoại di động, DVD, PSP, máy chơi game, Xbox, trò chơi điện tử, PC, máy tính xách tay, chat qua internet. . . song bọn ta đã có những người bạn thực sự.

- Bọn ta đến thăm bạn bè mà không cần phải được mời, chia sẻ và thưởng thức đồ ăn cùng gia đình họ.

- Bọn ta có thể chỉ có những bức ảnh đen trắng, song con có thể tìm thấy những kỷ niệm đầy màu sắc trong những bức ảnh này.

- Cha mẹ của bọn ta không bao giờ đi xa chỉ để kiếm tiền, họ sẽ lựa chọn làm việc ở gần nhà để có thể có mặt với chúng ta khi cần.

- Gia đình ta không bao giờ có người giúp việc, việc nhà là cơ hội vô giá để gắn kết chúng ta và là nơi chúng ta học được gần như mọi thứ để duy trì một gia đình.

- Cha mẹ của chúng ta là những người tuyệt vời nhất, và điều tuyệt với nhất là họ luôn có mặt khi chúng ta cần và rời đi khi chúng ta cần được tự do và có đủ khả năng để tự lo.

- Bọn ta là thế hệ độc đáo và thấu hiểu nhất, bởi bọn ta là thế hệ cuối cùng lắng nghe lời cha mẹ.

Nhưng….

Ông lão đôt ngột dừng lại, lặng lẽ ngồi nhìn ra phía trời xa. Sự hồ hởi, nhiệt huyết trùng xuống một cách đột ngôt khiến người cháu sợ hãi

- Nhưng sao hả ông? Ông nói đi

Ông nội rơm rớm nước mắt nắm bàn tay bé nhỏ của cháu nhẹn ngào.

- Và bọn ta cũng là những người đầu tiên bị buộc phải nghe lời con cái mình.

Cậu bé ngước mắt nhìn ông rồi nói

- Chúng cháu cũng thực sự rất áp lực và mệt mỏi với cuộc sống như thế này. Chúng cháu muốn được những thứ như ông và bố cháu đã có. Nhưng đó là những thứ chúng cháu không được nhận và cũng thể tự tạo ra nếu không được hướng dẫn hoặc cho phép tạo ra nó. Điều đó không nằm trong tay chúng cháu…

Ông nội kéo cậu bé sát lại bên mình, ông cháu vào lòng và nói.

- Ta thương các cháu biết bao. Hãy nhớ: Bọn ta là ấn bản duy nhất, mỗi người đều là ấn bản duy nhất. Nó không phải như bây giờ, mỗi người chỉ là một bản sao hệt nhau được in 3D sống động. Hãy đọc bọn ta. Hãy tận dụng bọn ta. Hãy học hỏi từ bọn ta. Bọn ta là một kho báu chẳng bao lâu nữa sẽ biến mất. Nhưng bọn ta không thể tự đến bên các cháu vì bọn ta đang buộc phải nghe lời con cái của mình.


Comments