Hướng dẫn sử dụng câu chuyện để giáo dục đạo đức cho trẻ em, thanh thiếu niên.

 

Mở đầu

Giáo dục đạo đức cho con từ nhỏ là một việc làm quan trọng nhất nhưng cũng rất khó khăn cho tất cả các bậc làm cha mẹ. Việc giáo dục không chỉ nhằm hun đúc, nuôi dưỡng những giá trị đạo đức tốt đẹp mà còn ngăn chặn hoặc sửa chữa những hành vi không phù hợp.

Việc giáo dục đạo đức, sửa đổi hành vi, thay đổi thái độ của trẻ đòi hỏi nhiều nỗ lực và có nhiều phương pháp khác nhau nhưng không có phương pháp nào phù hợp với mọi trẻ cũng như mọi hành vi. Việc thuyết giảng đạo đức thường không mang lại hiệu quả đối với trẻ và thường gây khó chịu cho trẻ. Trong khi đó, truyền tải các thông điệp về đạo đức thông qua những câu chuyện kể phù hợp được chứng minh là rất hiệu quả cho trẻ em và thậm chí cả người lớn. Câu chuyện là con đường ngắn nhất để đưa chân lý, sự thật đến trái tim và khối óc của mọi người. 

Tuy nhiên việc sử dụng câu chuyện như một phương tiện để giáo dục không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều cha mẹ không biết nhiều câu chuyện, nhiều người không có khả năng kể chuyện, một số không thể diễn giải ý nghĩa câu chuyện...và vì thế phương pháp này thường bị bỏ qua.

Thì thầm ra đời chính là để đáp ứng nhu cầu đó: Cung cấp những câu chuyện ở mọi khái cạnh đạo đức và cuộc sống, phù hợp với từng độ tuổi, nhiều hình thức khác nhau từ truyền cảm hứng, bài học cuộc sống, hài hước ..và ngụ ngôn để cha mẹ có thể dễ dàng lựa chọn để đọc cho con, kể cho con và giới thiệu cho con đọc.

Ngoài ra thì thầm cũng luôn có những hướng dẫn cụ thể để cha mẹ có thể sử dụng một câu chuyện cụ thể một cách sáng tạo, phù hợp bối cảnh để có thể làm tươi mới nó, khoác cho nó tấm áo mới, gán cho nó những gái trị mới phù hợp nhất với thông điệp mà cha mẹ muốn truyền tải

Ví dụ cụ thể dưới đây tôi muốn lấy một câu chuyện gốc và cách để cha mẹ có thể sử dụng nó theo những cách khác nhau phù hợp với mục đích của mình.

Mời các bạn cùng theo dõi.

Câu chuyện: Quạ và hai con vịt xinh đẹp

Ngày xửa ngày xưa, tại thành phố lớn là kinh đô của Phật giáo, có một con quạ kiếm sống bằng nghề nhặt đồ ăn từ bãi rác, ăn xác chết và ăn trộm thức ăn mà người ta để lại trên bệ cửa sổ. Nó là một con chim ranh mãnh và không bao giờ hài lòng với những gì mình có. Một ngày nọ, nó quyết định muốn thay đổi thực đơn và bay dọc theo Sông Hằng để xem có con cá chết nào nằm dọc bờ không. Khi đang tìm kiếm, nó thấy hai con vịt với màu lông tuyệt đẹp đang bơi dưới sông. Nó tự nghĩ, “Những con vịt này có màu lông tuyệt đẹp, những ánh xanh như ngọc ở cổ và những đốm lửa đỏ rực như hoàng hôn ở đuôi. Không biết chúng ăn gì mà có màu sắc rực rỡ như vậy? Mình sẽ tự tìm hiểu và ăn nó để đổi màu lông từ xám đen xỉn này sang mầu xanh sang trọng và màu đỏ đất rực rỡ này.”

quạ xấu xí và vịt xinh đẹp


Nó bay xuống và đậu trên bờ gần những con vịt và nói, “Những người bạn lông vũ thân mến của tôi, tôi có thể hỏi bạn ăn loại cá hoặc thịt nào mà lông của bạn có màu sắc tuyệt đẹp như vậy không?”

Những con vịt nhìn con quạ với ánh mắt hoài nghi vì biết tiếng tăm của những loài chim như vậy. “Ông Quạ,” vịt đực trả lời, “Chúng tôi không ăn bất kỳ loại cá hay thịt nào. Ăn thịt của một sinh vật khác sẽ trái ngược với bản chất của chúng tôi. Chúng tôi chỉ mong muốn hòa bình và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Chúng tôi chỉ ăn cỏ dại dưới đáy sông. Đó là nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho chúng tôi.”

“Chắc chắn chứ” quạ nói, “cỏ dại không thể tạo nên màu sắc tuyệt đẹp cho bộ lông của bạn. Phải có một số loại thức ăn khác mà bạn đang ăn mà không nói với tôi. Tôi ăn rất nhiều loại thịt và bất cứ thứ gì khác mà tôi có thể tìm thấy và tôi chỉ có những màu sắc buồn tẻ này để tô điểm cho cơ thể mình.”

“Quạ,” vịt cái nói, “chúng tôi chỉ ăn cỏ dại. Vẻ đẹp không chỉ được tạo ra bởi những gì bạn ăn mà còn bởi những gì bạn nghĩ và bạn làm. Bạn là một sinh vật ăn cắp và ăn thịt đồng loại của mình. Bạn không thể mong đợi có được vẻ đẹp. Hãy thay đổi cách sống của mình. Sống vì hạnh phúc của người khác và vẻ đẹp sẽ là của bạn.”

Quạ nhìn đàn vịt với vẻ khinh thường và nói, “Nếu vậy, tôi không muốn vẻ đẹp của các bạn. Tôi thích cách sống của riêng mình hơn.” Và với tiếng kêu the thé “Quạ! Quạ! Quạ!”, nó bay đi để tiếp tục tìm kiếm những con cá chết.

Bài học đạo đức của câu chuyện.

Qua câu chuyện, nếu là kể hoặc cùng đọc cha mẹ có thể cùng thảo luận với con, đặt câu hỏi hoặc giải thích để truyền tải những thông điệp quan trọng như

1.Tính chấp nhận: Đón nhận và hài lòng với những gì mình có, những đặc điểm, tố chất của chính mình, những gì mình được cuộc sống ban tặng: Con quạ trong chuyện cần chấp nhận bộ lông đen của mình và vui vẻ hài lòng với nó. Mọi sự so sánh hay từ chối hoặc thất vọng đều chỉ làm cho cuộc sống nặng nề và không thể giải quyết được. Từ bộ lông của quạ có thể liên hệ với những đặc điểm cuộc sống và bản thân trẻ.

2. Thay đổi hành vi ghen tị. Việc con quạ ghen tị với bộ lông của hai con vịt chỉ khiến cho quạ thêm đau khổ và không thể chấp nhận bộ lông của mình. Sự ghen tị không chỉ gây hại cho niềm vui sống của quạ mà còn có thể khiến mối quan hệ của nó với những người được so sánh trở nên tồi tệ.

3. Đối với trẻ lớn hơn bạn cũng có thể truyền tải thông điệp rất rõ ràng về thái độ sống tích cực, hành vi sống tích cực qua thông điệp ""Vẻ đẹp không chỉ được tạo ra bởi những gì bạn ăn mà còn bởi những gì bạn nghĩ và bạn làm" và "Hãy thay đổi cách sống của mình. Sống vì hạnh phúc của người khác và vẻ đẹp sẽ là của bạn.”

Cách tạo ra một câu chuyện khác từ bản gốc

Tuy nhiên không có câu chuyện nào có thể hoàn toàn đáp ứng mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng có thể gặp một số vấn đề ở những góc nhìn khác nhau. Tùy vào mức độ khả năng nhận thức của con bạn và ý định của bạn câu chuyện có thể được lái theo cách sau:

Câu chuyện được viết lại từ đoạn con quạ bị hai con vịt lên lớp nó có thể nói:

- Các bạn có thể ăn rong rêu và cỏ dại dưới sông, đó là bởi các bạn là vịt. Còn tôi là quạ, và một con quạ sẽ phải kiếm sống bằng nghề nhặt đồ ăn từ bãi rác, ăn xác chết và ăn thức ăn mà người ta để lại trên bệ cửa sổ. Đó là công việc mà cuộc sống giao cho chúng tôi. Nó luôn có ý nghĩa đóng góp cho cuộc đời này.

Hai con vịt nhìn quạ khinh bỉ, chúng không tin việc làm đó của quạ có ý nghĩa gì cho cuộc sống ngoài sự gớm giếc như bộ lông của quạ. Vì thế quạ nói: "Chúng tôi sẽ dời khỏi đây và các bạn sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra"

Và lũ quạ rủ nhau rời khỏi vùng đất bên khúc sông. Và từ lúc không có quạ, những xác chết không có ai thu dọn, thức ăn thừa vương vãi khắp nơi, những con cá chết nổi đầy mặt khúc sông tạo ra mùi hôi thối khủng khiếp, xác chúng chìm xuống đáy sông làm chết hết cỏ dại và rong rêu ở đó. Hai con vịt phải sống trong môi trường hôi thối, không thể tìm thấy thức ăn và vì thế bộ lông đẹp đẽ của nó trở nên xám xịt và xơ xác. Lúc đó chúng mới biết ý nghĩa công việc mà quạ mang lại. Vì thế chúng bảo nhau bay đi tìm quạ, xin lỗi quạ và mời quạ quay về.

Và từ đó khúc sông lại trở lại như xưa, quạ không bao giờ so sánh lông của nó với vịt nữa, vịt cũng không bao giờ phán xét về cách ăn uống của quạ nữa, chúng hiểu rằng mỗi loài có một giá trị riêng, vẻ đẹp riêng, tất cả tao nên thế giới cân bằng này. 

Và ngày nay vịt vẫn ăn rong rêu cỏ dại dưới đáy sống còn quan vẫn bay đi với tiếng kêu the thé “Quạ! Quạ! Quạ!”, và tiếp tục tìm kiếm những con cá chết.

Khi bạn hướng câu chuyện theo cách này, các bài học đạo đức lại có thể được truyền tải như sau:

1. Không bao giờ phán xét người khác: Mỗi một loại sinh ra đều có nhiệm vụ riêng, giá trị riêng, vẻ đẹp riêng, ngay cả khi bạn không hiểu được nó bạn cũng không nên phán xét nó.

2. Cần tôn trọng sự đa dạng, chính sự đa dạng tạo nên sự cân bằng của thế giới và cuộc sống.



Comments