Những câu chuyện giúp bạn có cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng hơn.

 

Cuộc sống, đó là một điều bí ẩn nhất, có nghĩa là trí óc, suy nghĩ của chúng ta không thể hiểu hết được nó. Dù bạn có là ai, bạn thông tuệ đến mức nào, bạn cũng không thể giải thích được tất cả chiến tranh, xung đột, sự giận dữ, sự tra tấn, sự tàn phá, nạn đói và những đau khổ trên thế giới! Dù bạn có là ai, bạn cũng không nằm ngoài định mệnh, bạn sẽ phải trải qua sự lừa dối, thất tín, tổn thương, lỗi lầm, mất mát và cái chết. Bạn không thể thay đổi được điều đó, bạn không thể chống lại nó, bạn chỉ có thể hài hòa với nó. Để làm được điều đó, bạn phải thức tỉnh và đột nhiên bạn sẽ nhận ra rằng thực tế không có vấn đề gì, nếu không hòa hợp được với nó, chính bạn mới là vấn đề.

Những câu chuyện sau đây sẽ giúp bạn nhận ra điều đó

Câu chuyện số 1. BUÔNG BỎ.

Ngày xửa ngày xưa, có một ông lão rất già, người đã sống trọn cả một cuộc đời rất dài và rất hạnh phúc trên một hòn đảo xinh đẹp. Ông rất yêu quê hương của mình. Trên hòn đảo máu thịt của mình, ông và tất cả gia đình ông, trải qua bao thế hệ, đã sống, đổ máu và mồ hôi để bồi đắp đất đai, khai hoang, lấn biển, xây dựng nhà cửa và kiếm miếng cơm manh áo hằng ngày. Và vì vậy, khi ông lão nhận ra rằng mình sắp bước vào những ngày cuối đời, ông đã yêu cầu các con trai đưa ông ra ngoài lần cuối. Ở đó, ông quỳ xuống và nhặt một nắm đất quê hương, rồi nắm chặt trong những ngón tay già nua thô ráp của mình.

Ngay sau đó, ông lão qua đời. Linh hồn thánh thiện của ông bay lên và chẳng mấy chốc đã đến được cổng thiên đàng. Các thiên thần vui mừng chào đón ông. 'Ông đã sống một cuộc đời tốt đẹp,' những thiên thần nói. 'Chào mừng ông đến với vương quốc thiên đàng. Xin hãy vào đi.'

buông bỏ để thanh thản nhẹ nhàng


Ông lão cúi đầu tạ ơn những thiên thần và cố gắng bước qua ngưỡng cửa của vương quốc thiên đàng, nhưng khi bước chân ông vừa chạm tới ngưỡng cửa thì một thiên thần tốt bụng đã ngăn ông lại và nói: 'Để bước được và vương quốc thiên đàng vĩnh cửu, ông phải buông bỏ phần đất mà ông đang nắm giữ.'

'Ôi không, tôi không bao giờ có thể làm điều đó,' ông kêu lên. ‘Đây là đất mẹ của tôi, đất của hòn đảo quê hương yêu dấu của tôi.’

Mặc dù các thiên thần tốt bụng đã giải thích nhưng tất cả đều vô nghĩ với ông lão. Ông nhất quyết không từ bỏ nắm đất quê hương, tình yêu của ông, máu thịt của ông, điều thiêng liêng của bao thế hệ. Các thiên thần buồn bã quay trở lại thiên đàng. Họ đã không đón được người, họ ngậm ngùi bỏ lại ông già lang thang, cô đơn, bên ngoài cánh cổng.

Nhiều năm trôi qua, và các thiên thần lại đến. Họ mang đến cho ông già một bữa tiệc mang hương vị của thiên đàng và cùng ông ăn tiệc ở bên ngoài cánh cổng, cố gắng thuyết phục ông đến với vương quốc của sự trọn vẹn và vĩnh cửu. Ông lão rất muốn được vào vương quốc thiên đàng mãi mãi, nhưng một lần nữa, khi những thiên thần yêu cầu ông buông bỏ nắm đất mà ông đang nắm giữ, ông vẫn nhất quyết nói “không”. Ông không thể cam lòng tự mình làm như vậy. Và một lần nữa, họ phải để ông đứng đó, một mình.

Cuối cùng, sau nhiều năm trôi qua, các thiên thần lại đến, và lần này họ mang theo cháu gái của ông già, người cũng đã già đi trong thời gian đó và bản thân bà đã qua đời. Bà rất vui mừng khi thấy người ông yêu dấu của mình đang đứng đó. ‘Ôi ông nội,’ bà khóc, ‘Cháu rất vui vì ông đã ở đây. Xin hãy đến và gia nhập cùng chúng cháu trong vương quốc thiên đàng. Chúng cháu yêu ông rất nhiều, và chúng cháu muốn ông ở bên chúng cháu mãi mãi.' Ông lão vô cùng xúc động khi nhìn thấy đứa cháu gái nhỏ của mình ở đó, và trong niềm vui, ông dang rộng vòng tay để ôm cô bé.

Và khi ông làm như vậy, nắm đất đã trượt qua kẽ tay ông.

Với niềm vui lớn lao, các thiên thần giờ đây đã dẫn ông vào ngôi nhà trên thiên đường của mình, và điều đầu tiên ông nhìn thấy ở đó là toàn bộ hòn đảo yêu dấu của ông, đang chờ đợi để chào đón ông.

Viết lại từ một câu chuyện truyền thống của Địa Trung Hải

 

Câu chuyện số 2. THA THỨ

Một người đàn ông có một quá khứ đầy sóng gió, một tuổi trẻ dữ dội với những băng nhóm, tuổi trung niên với những hận thù và khi trở về quê cũ ở tuổi xế chiều ông là một con người khác. Ông sống bình lặng, nhẫn nại và sẵn sàng giúp đỡ mọi người mặc cho ai đó có thách thức, dè bỉu, xì xào rằng đó là thói đạo đức giả. Thậm chí ông còn phải chịu nhiều trò chơi xấu, vu oan... nhưng bất chấp tất cả, ông vẫn bình lặng, bỏ qua và sẵn sàng giúp đỡ.

Nhưng sâu thẳm trong ông vẫn là một nỗi niềm day rứt không nguôi. Ông thường tìm đến với vị tu sỹ trong ngồi chùa nhỏ nép sau dãy núi. Và trong những câu chuyện, ông cho biết, ông có thể tha thứ cho tất cả, nhưng không thể tha thứ được cho mình.

Và vị sư già đã kể cho ông nghe một câu chuyện ""trẻ con" mà nhà sư biết. Sau khi nghe xong câu chuyện, người đàn ông già dường như tỉnh ngộ. Ông nói bây giờ ông mới thực sự thay đổi cuộc đời.

Câu chuyện như sau:

Ngày xửa ngày xưa, trong một khu rừng ở phía tây bắc có một chú chim gõ kiến ​​rất khác thường vì cả vẻ đẹp tuyệt vời lẫn hành vi của mình. Trong khi hầu hết các loài chim gõ kiến ​​ăn côn trùng, sâu bọ và giun, chú chim gõ kiến ​​này không thể chịu đựng được việc lấy đi mạng sống của một sinh vật sống khác, vì vậy thay vào đó, chú ăn những chồi non của cây, hoa và quả. Chú cũng nổi tiếng trong số tất cả các loài động vật trong rừng là vô cùng tốt bụng và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Một ngày nọ, chú đang bay qua khu rừng thì nghe thấy tiếng rên rỉ và rên rỉ phát ra từ phía dưới. Chú bay thấp hơn và thấy một con hổ nằm nghiêng, thở hổn hển và rên rỉ. Khi đáp xuống một cành cây gần con hổ, chú chim gõ kiến ​​nói: "Ôi, chúa tể của các loài thú, có chuyện gì với ngài vậy? Ngài bị trúng tên tẩm độc hay bị bệnh vậy?" Hổ trả lời: "Ồ, chú chim tốt bụng, không phải những thứ đó. Tôi có một chiếc xương sắc nhọn găm vào cổ họng. Nó khiến cổ họng tôi sưng lên và tôi sẽ sớm chết nếu không lấy được nó ra. Tôi không thể nuốt hoặc ho ra được. Xin hãy giúp tôi nếu bạn có thể.”

Con chim gõ kiến ​​suy nghĩ một lúc rồi tìm thấy một cây gậy chắc chắn trên mặt đất gần đó. Nó bảo hổ há miệng rộng nhất có thể, rồi nhét cây gậy vào giữa hàm răng trên và dưới của hổ. Với cái miệng khổng lồ, đáng sợ của hổ há ra, con chim bay xuống cổ họng hổ đến nơi cái xương bị găm cố định chắc chắn vào thành họng. Con chim gõ kiến ​​cẩn thận dùng chiếc mỏ như cái búa của nó gõ ở một đầu xương này rồi đến đầu kia cho đến khi cái xương gãy ra và được rút ra khỏi thành họng của hổ. Cuối cùng chim gõ kiến ​​ngậm những mẩu xương vào mỏ và bay ra khỏi miệng hổ. Nó lấy cây gậy chống ở mồm hổ ra và con hổ thở phào nhẹ nhõm. 

Con hổ cảm ơn con chim gõ kiến ​​một cách ngắn gọn và lẻn đến một nơi yên tĩnh để hồi phục sau trải nghiệm đau đớn của mình. Con chim gõ kiến ​​rất vui vì đã giúp đỡ và bay đi tìm chồi xanh và quả.

Vài tháng sau, những cơn mưa theo mùa không đến và một trận hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra ở khu vực nơi con chim gõ kiến ​​sinh sống. Tất cả các chồi tươi trên cây đều héo úa và tất cả các bông hoa và quả đều khô héo. Chim gõ kiến ​​đã không có thức ăn trong nhiều ngày. Nó ngày càng yếu đi và thậm chí có cảm giác rất gần với cái chết. Khi nó nằm im một chỗ nghĩ về hoàn cảnh của mình thì một con cú khôn ngoan đến bên nó. Cú nói: “Này gõ kiến, tình trạng hôm nay cũng một phần do bạn gây nên. Tất cả các con vật đều biết bạn là con chim thánh thiện. Nhưng bạn biết đấy, chim gõ kiến là phải ăn sâu bọ và côn trùng để giúp cây chống chịu lại sâu bệnh, bảo vệ chồi non. Bạn không ăn sâu bọ, côn trùng, đặc biệt là sâu ăn lá và sâu đục thân nên chúng phát triển nhanh chóng và gặm hết cả chồi non của cây. Trong khi bạn cũng lại ăn chồi non và vì thế cây không còn chồi non để phát triển. Hạn hán cây không có gì để chống chọi. Cây sẽ chết, bạn cũng sẽ chết và sâu bọ cũng sẽ chết. Hãy sống đúng với chính mình, một con chim gõ kiến”.

tha thứ


Con gõ kiến bây giờ thực sự mới ngộ ra. Nó vô cùng ân hận về việc làm tưởng như từ bi nhưng hậu quả khôn lường của mình. Nó giận mình, dằn vặt mình và nó nói với cú rằng “nó khó có thể tha thứ cho mình về điều ngu muội đó”. Con cú lắc đầu nói “vấn đề bây giờ là phải tìm kiếm thức ăn để giữ mạng, mọi chuyện khác sẽ nghĩ đến sau” và bay đi.

Mặc dù đã rất yếu ớt, con gõ kiến vẫn phải cố gắng bay đi tìm thức ăn, tất nhiên nó sẽ ăn cả thịt, côn trùng và giun.  Khi bay qua một đám cỏ cháy nó nhìn xuống và thấy chính con hổ mà nó đã cứu khỏi cái chết trước đó. Nó đang ăn một con bê non. Vì con bê đã chết, chim gõ kiến ​​nghĩ rằng đây là thời điểm để bắt đầu ăn lại thịt như một sự tập dượt và cũng là cứu mạng mình. Nó bay xuống, và không muốn tỏ ra táo bạo hay bất lịch sự nên nó chỉ đi tới đi lui trước mặt con hổ chờ đợi lời mời tham gia bữa ăn cùng, nhưng không có lời mời nào. Cuối cùng cơn đói đã chiến thắng sự khiêm tốn của nó và nghĩ rằng con hổ hẳn không nhận ra mình, chim gõ kiến ​​nói, "Ồ, thưa ngài tốt bụng, hôm nay tôi đến với ngài như một người ăn xin xin một vài miếng để ăn để tôi không chết đói." Con hổ ngước lên khỏi con mồi của mình và trừng mắt nhìn con chim, "Sao ngươi dám đến gần ta như vậy? Ngươi thật may mắn khi là sinh vật duy nhất từng ở trong miệng một con hổ và sống sót trở ra. Thế là quá đủ rồi. Hãy cút đi, nếu không mày cũng sẽ là một phần trong bữa ăn của tao!”

Con chim gõ kiến ​​cảm thấy nhục nhã trước sự từ chối của hổ và bay lên một cành cây cao trên đầu. Con cú khôn ngoan đang quan sát cảnh tượng đó và biết về việc con chim gõ kiến ​​đã từng cứu mạng hổ khi xưa. Con cú nói, “Tại sao mày lại để sinh vật vô ơn đó sỉ nhục mày sau tất cả những gì mày đã làm cho nó? Bay xuống đó và móc mắt nó ra, hoặc ít nhất là lấy một ít thịt, điều mà mày có thể dễ dàng làm được với tốc độ của mình.”

Con chim gõ kiến ​​trả lời, “Đừng nói như vậy. Ta không có thẩm quyền trừng phạt hành vi như vậy. Ta không giúp nó để mong được đền đáp. Nếu ta giúp nó chỉ để mong đền đáp thì đó chỉ là một khoản vay, không phải là một hành động từ bi thực sự.”

Con cú sau đó nói, “Bạn thực sự là một loài chim có lòng trắc ẩn. Ta sẽ nhớ kỹ bài học của bạn. Bạn đã tha thứ hoàn toàn cho con hổ vô ơn. Nhưng ta muốn hỏi tại sao bạn có thể tha thứ cho một kẻ như vậy mà lại không thể tha thứ cho chính mình. Nếu vậy cũng sẽ không phải là từ bi”

Một lần nữa con gõ kiến như bừng tỉnh. Đúng rồi, trước tiên mình phải tha thứ cho chính mình thì mới thực sự tha thứ được cho người khác. Nó cúi đầu tạ ơn người khai sáng- con cú khôn ngoan, rồi bay đi.

Đêm hôm đó trời mưa lớn. Và con gõ kiến có thể nghe được tiếng mầm non đang cựa mình trong lớp võ cây cằn cỗi và cả trong chính cơ thể của mình.

Một vài suy nghĩ từ câu chuyện.

Cuộc sống là điều bí ẩn lớn nhất, nó vượt qua tất cả sự hiểu biết của chúng ta. Bạn không thể đưa ra lời giải thích nào có thể giải thích được tất cả những đau khổ, sự giận dữ, sự tra tấn, sự tàn phá và nạn đói trên thế giới! Cái ác, cái thiện đan xen và chúng đều giữ một vai trò để cuộc sống diễn ra. Bạn sẽ không bao giờ giải thích nó và bạn cũng không thể thay đổi được nó. Khi bạn không chấp nhân nó, từ chối nó hoặc chống lại nó, bạn đã biến mình thành vấn đề. Gõ kiến là Gõ kiến và gõ kiến ăn sâu bọ, điều đó không thiện, không ác, đó là thực tế. Khi gõ kiến ăn chồi non và gán cho đó là hành động từ bi, gõ kiến đã chống lại cuộc sống, chống lại chính mình, tự biến mình thành vấn đề. Bạn có thấy đôi khi mình là gõ kiến??

Chúng ta thực hiện những hành động từ bi, hành động với lòng trắc ẩn để chờ đợi sự đáp lại của người nhận nó, thậm chí là của đấng cao xanh, lúc đó nó không còn là từ bi nữa. Giúp đỡ, từ thiện để mong trời có mắt, sẽ được ghi nhận công quả, sẽ nhận được phước báo từ trời phật, từ cuộc đời, lúc đó nó đơn giản chỉ là một khoản vay, không phải là một hành động từ bi thực sự.

Khi bạn không thể tha thứ được cho chính mình, không thể từ bi với chính mình, không thể trắc ẩn với chính mình, tất cả các hành động bạn tưởng là từ bi với người khác chỉ là giả tạo. Tất cả phải từ trong ra, tha thứ, từ bị và trắc ẩn với chính mình là cốt lõi cho mọi từ bi khác.

Bạn có đồng ý với quan điểm đó, bạn có suy nghĩ khác, hãy để lại comment trong phần bình luận. Chia sẻ bài viết nếu nó hữu ích.


Câu chuyện số 3. Chấp nhận và tha thứ.

Cô con gái đi học về với vẻ mặt hậm hực, khác hơn so với mọi ngày, mẹ có hỏi nhưng cô bé chỉ nói "con chỉ hơi mệt chút thôi, không có gì đâu ạ". Mẹ không gặng hỏi, ở tuổi này luôn có những điều nho nhỏ xảy ra khiến một đứa trẻ buồn hoặc vui. Thời gian và sự suy xét sẽ là cơ hội để các con cảm nhận cuộc sống đúng nghĩa và học được những bài học từ nó. Khi nào cần thiết con sẽ tự bọc bạch thôi.

Nhưng rồi, những ngày hôm sau có một sự thay đổi trong thói quen hằng ngày của cô bé, cô bạn thân, người luôn rủ cô bé đi học mỗi sáng không thấy xuất hiện. Cô bé của chúng ta đi một mình với một tâm trạng không mấy vui vẻ.

Một buổi tối trước khi đi ngủ, mẹ ôm cô bé vào lòng và gợi hỏi: "mẹ không thấy Bống đến rủ con đi học. Có chuyện gì xảy ra với cô bé đó, Bống ốm hay đã chuyển trường?". Cô bé sụt sịt nói: "Con không chơi với Bống nữa, có xin lỗi con cũng không chơi. Cô ấy đã lừa dối con, lấy cắp cái bút mà con yêu nhất rồi làm mất nó". 

Mẹ ôm cô bẻ, vuốt nhẹ mái tóc cô như an ủi rồi nói "Từ khi con từ chối Bống, giận Bống, con thấy thế nào?". "Con buồn mẹ ạ!" cô bé nói, nhưng con không muốn chơi với cô ta, con ghét cô ta."

Mẹ nằm xuống bên cạnh cô. "Hôm nay mẹ sẽ kể cho con nghe câu chuyện này nhé, nó sẽ khiến con ngủ ngon hơn và sáng mai con sẽ vui vẻ hơn"

Cô bé ôm mẹ gật đầu.

Câu chuyện Hạt táo thần kỳ.

Ngày xưa, khi thời thế khó khăn, có một người đàn ông bị bắt quả tang đang ăn trộm thức ăn ở chợ.

Nhà vua được kể về hành vi sai trái này và ra lệnh treo cổ người đàn ông vì tội trộm cắp. Người ta đã chuẩn bị để thực hiện cuộc hành quyết, trong khi người đàn ông bị giam trong ngục tối.

Vào ngày anh ta sắp bị treo cổ, lính canh đưa anh ta đến giá treo cổ và hỏi anh ta có muốn nói điều gì trước khi bị xử tử không.

‘Vâng,’ người tù nói. ‘Tôi đã phạm tội và tôi rất ăn năn về việc đó. Để được thanh thản ra đi tôi muốn để lại một thứ vô cùng quý giá lại cho cuộc đời như một sự đề đáp. Món quà đặc biệt này cha tôi đã nhận được từ ông nội của tôi và người đã trao lại cho tôi. Đó là một hạt táo thần kỳ, khi được gieo xuống đất, nó sẽ phát triển thành một cây xanh tươi chỉ sau một đêm, và ra quả ngay lập tức. Đặc biệt là quả sẽ ra quanh năm không ngơi nghỉ và mỗi quả táo sẽ có hạt là vàng ròng. Tôi sẽ cảm thấy thật đáng tiếc nếu món quà thần kỳ này cùng tôi đi xuống nấm mồ mà không được trao cho ai khác’

Lời nói của tên trộm được bẩm áo lên nhà vua. Khi nhà vua và các vị đại thần của ngài xuất hiện, ngài nhìn người đàn ông kia rồi cười khinh bỉ: “Một trò lừa đảo rẻ tiền, nếu ngươi có hạt táo thần kỳ đó tại sao ngươi không trồng nó và trở nên giầu có để khỏi phải đi ăn cắp như thế này”

“Đó là sự thật thưa đức vua, người sắp chết luôn nói sự thật”

“Vậy ngươi hãy trồng nó ngay bây giờ” nhà vua nói “và nếu nó đúng như những gì ngươi nói, ngươi sẽ được trả tự do”

‘Tôi rất sẵn lòng để làm như vậy, nếu tôi có thể’ người tù nói, nhưng tôi không thể trồng được nó. Đó chính là bí mật của hạt táo thần kỳ này. Tôi phải cảnh báo ngài rằng hạt giống chỉ có thể tạo ra điều thần kỳ khi nó được gieo bởi một người chưa bao giờ gian dối và phạm lỗi – chưa bao giờ ăn cắp bất cứ thứ gì hoặc nói dối, hoặc lừa dối bất kỳ ai theo bất kỳ cách nào. Nếu kẻ nào không hội đủ điều kiện đó mà cố tình gieo hạt, kẻ đó sẽ chết ngay lập tức. Vì vậy, tất nhiên, tôi không thể tự mình gieo hạt giống, vì tôi đã từng nói dối trước kia và bây giờ là một tên trộm bị kết án.’

Nhà vua gọi tể tướng của mình, ngươi được tụng ca là đức độ nhất của toàn thể vương quốc đến để gieo hạt giống, nhưng tể tướng tỏ ra ngượng ngùng, và thừa nhận rằng ông đã từng giữ một thứ không thuộc về mình, do đó ông không thể gieo hạt giống.

Vì vậy, nhà vua gọi thủ quỹ người quả lý kho bạc của triều đình, người được cho là liêm khiết nhất cả nước ra để gieo hạt, khuôn mặt của ông lập tức đỏ bừng khi ông thú nhận rằng đã có những lúc ông không hoàn toàn trung thực trong việc giao dịch với kho bạc của đất nước. ‘Tôi nghĩ, Bệ hạ,’ thủ quỹ nói, ‘rằng ngài sẽ phải tự mình gieo hạt giống.’

Nhà vua do dự và trở nên rất bồn chồn, nhớ lại cách ông đã lừa dối vợ mình và không chung thủy. Ông cúi đầu và thừa nhận rằng ông cũng sẽ không thể gieo hạt giống.

Tên trộm nhìn cả ba người và nói. ‘Thưa đức vua và các vị quan tôn kính. Ba người là những người cao quý nhất, đức độ nhát, liên khiết nhất và hùng mạnh nhất trong xứ này,’ ông nói, ‘các người chưa từng bị đói, nhưng không ai trong số các người thoát khỏi tội lỗi. Không ai trong số các người có khả năng trồng hạt táo. Nhưng tôi, người đã ăn cắp một miếng bánh mì vì tôi sắp chết vì đói, lại bị kết án tử hình. Điều đó quả thật quá cay đắng’

Nhà vua và hai vị đại thần nghe vậy vừa xúc động vừa xấu hổ, họ nghĩ sẽ mất hết danh tiếng nếu quyết đinh hành quyết tên trộm này. Và vì thế nhà vua đã tha thứ cho tên trộm khôn ngoan.

chấp nhận và tha thứ


Một vài suy nghĩ từ câu chuyện.

Câu chuyện giản dị này được dùng để kể cho trẻ em, nhưng điều đó không có nghĩa nó không có giá trị gì cho người lớn.

Cuộc sống là như vậy sao, không một ai chưa từng lừa dối, chư một ai chưa từng lầm lỡ, vây nó có đáng để ta trân trọng không? Tất nhiên là đáng nếu chúng ta nhìn vào những ân tình, tình yêu, lòng từ bi, lòng trắc ẩn, sự tử tế… tràn ngập cuộc sống này.

Chúng ta mấy ai trong đời chưa từng bị lừa dối, chưa bị đối xử thiếu công bằng, chưa từng bị bắt nạt hoặc chưa từng bị ai làm cho tổn thương. Có lẽ là không.

Cuộc sống, bên cạnh những điều tốt đẹp, tình yêu thương, lòng trắc ẩn, lòng từ bi, sự công bằng... luôn tồn tại những điều không như mong muốn, sự lừa lọc, bắt nạt, tôi ác, phụ tình... Không bao giờ có thể làm cho chúng biến mất hoàn toàn. Chúng vẫn tồn tại như một phần của cuộc sống. Và thật không may, chúng ta đôi lúc là nạn nhân của những điều ác đó. 

Chúng ta đối xử với người đó như thế nào, đối xử với vết thương của ta như thế nào, đó là quyền của chúng ta. Nhưng có lẽ là cần thiết để nhìn lại, liệu trong đời chúng ta đã từng phạm sai lầm chưa, lừa dối chưa? làm cho ai đó bị tổn thương chưa? Và chúng ta cảm thấy như thế nào nếu người ta cứ nhớ mãi điều đó, gắn chúng ta vào điều đó.

Tha thứ, đó là cách tốt nhất để chúng ta trở nên nhẹ nhàng và thanh thản. Đôi khi chúng ta tha thứ không phải người đó xứng đáng được tha thứ mà là vì chúng ta, chính chúng ta xứng đáng được Thanh thản. Tha thứ cho người vì chính mình.

Vậy thôi!

Câu chuyện số 4. Con chó trong nhà gương.

Cách đây rất lâu có một vị vua vĩ đại. Ông ra lệnh xây dựng một cung điện xinh đẹp có nhiều điều tuyệt vời trong đó. Trong số những điều đặc biệt khác trong cung điện là có một hội trường, nơi tất cả các bức tường, cửa ra vào và thậm chí cả sàn nhà đều được làm bằng gương. Những tấm gương trong và mịn đến nỗi du khách không thể nhận biết ngay rằng có một tấm gương ở phía trước họ - những tấm gương sẽ phản chiếu các vật thể một cách chính xác đến mức hoàn hảo. Hơn nữa, các bức tường của hội trường này được làm theo cách có thể tạo ra tiếng vang tăng lên gấp bội mỗi khi có tiếng động trong hội trường.

Có lần, một con chó chạy vào hội trường và sững sờ sững sờ ở giữa căn phòng đó, cả đàn chó vây quanh nó từ mọi phía, từ trên xuống dưới. Để đề phòng, con chó nhe răng ra - và tất cả các hình ảnh phản chiếu đều phản ứng với nó theo cách tương tự. Quá hoảng sợ, con chó điên cuồng sủa lên – tiếng vang vọng lại tiếng sủa và tăng lên gấp nhiều lần. Con chó càng sủa mạnh hơn – và tiếng vọng lại tiếp tục vang lên. Con chó điên cuồng chạy từ bên này sang bên kia, cắn vào không khí - hình ảnh phản chiếu của nó cũng quằn quại và điên cuồng như vậy.

con chó trong nhà gương



Vào buổi sáng, lính canh tìm thấy con chó khốn khổ, vô hồn và bị bao quanh bởi hàng triệu hình ảnh phản chiếu của những con chó vô hồn. Không có ai có thể làm hại con chó. Con chó chết vì đấu tranh với chính suy nghĩ của mình.

 Đôi dòng suy nghĩ về câu chuyện

Thế giới không tự nó mang lại điều tốt hay điều xấu, nó là vậy như nó vốn là. Mỗi một sinh vật, một sự kiện, một điều gì đó xảy ra đều đóng góp một vai trò tạo nên cuộc sống, nó vượt ra khỏi tầm hiểu biết của chúng ta. Mọi thứ đang diễn ra xung quanh chúng ta đều là sự phản ánh suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn và hành động của chính chúng ta. Nó là tốt hay xấu, là tích cực hay tiêu cực đều là do thái độ của chúng ta. Thế giới là một tấm gương lớn phản ánh chính chúng ta, và vì thế đừng hằn học, đừng giận giữ vì nó, đừng sợ hãi nó để ta được nhìn thấy những hình ảnh bình an của chính mình trong tấm gương cuộc sống.


Câu chuyện số 5. Hãy thêm chút đường vào nước chanh.

Cuộc sống của thanh thiếu niên khó có thể tránh được những sai lầm, những đổ vỡ, những mất mát. Đó là một phần của quá trình trưởng thành. Chúng ta không thể lớn lên mà không có những nghi ngờ, những khám phá, những thử nghiệm để kiểm chứng niềm tin. Và thất bại trong những cuộc thử nghiệm và khám phá đó chính là những bài học vô giá để giúp ta trưởng thành.

Nhưng cũng có những thất bại, những mất mát, những đổ vỡ tạo nên những nỗi đau mà thanh thiếu niên không thể vượt qua. Nó có thể đánh gục thanh thiếu niên ngay lập tức hoặc tạo nên những vết sẹo tâm lý vĩnh viễn, những uẩn ức chỉ chờ chực để bùng lên nhấn chìm cuộc sống của họ và những người xung quanh.

Cha mẹ không thể trải nghiệm thay con, chịu những nỗi đau thay con nhưng cũng không nên bảo vệ con trước mọi hậu quả. Điều cha mẹ có thể làm là tạo điều kiện, chỉ dẫn cho con con đường để thanh thiếu niên có thể chữa lành vết thương, mở lòng đón nhận sóng gió cũng như ánh sáng của cuộc đời.

Nếu bạn là một thanh thiếu iên đang mang trong lòng nỗi đau hay đó là con của bạn, câu chuyện sau đây có thể là một gợi ý để bạn có thể có thể tìm ra con đường của mình.

Hãy theo dõi câu chuyện sau đây:

Có một sinh viên đại học luôn im lặng trong lớp. Anh ấy không nói chuyện với ai và không có bạn bè.

Một trong những giáo viên của anh ấy đã nhận thấy điều này. Thầy gọi cậu ra sau giờ học và hỏi: “Thầy thường thấy em ngồi im lặng, không nói chuyện với ai cũng không tỏ ra quan tâm đến bất cứ điều gì. Lý do cho việc này là gì?”

Sinh viên nói: “Một số sự việc rất tồi tệ đã xảy ra trong cuộc đời của em. Em vẫn gặp rắc rối khi nghĩ về chúng và không thể tập trung vào bất cứ điều gì.”

Nghe vậy, thầy giáo nắm tay cậu thật chặt, không nói thêm gì, không hỏi cậu về câu chuyện của cậu ấy. Thầy giáo nhìn cậu bé với ánh mắt đồng cảm và mời cậu đến nhà vào cuối tuần nếu cậu rảnh. Cậu thanh niên hờ hững nhận lời

Vào cuối tuần, học sinh đến nhà thầy đúng giờ hẹn. Thầy giáo chào đón anh và bảo anh ngồi thoải mái. Sau đó thầy giáo hỏi: “Em có muốn uống nước chanh không?”

Học sinh ngập ngừng trả lời: “Dạ, có nếu thầy không phiền ạ.”

Thầy giáo tự tay làm nước chanh cho học sinh. Học sinh vừa nhấp một ngụm nước chanh của thầy đã nhăn mặt lại.

Thấy vậy, giáo viên hỏi: “Chuyện gì vậy? bạn không thích nó à?”

Học sinh trả lời: “Dạ, hình như có quá nhiều muối trong đó, nó có vẻ mặn ạ”

Giáo viên nói: “Ồ, không vấn đề gì, tôi sẽ vứt nó đi và làm một ly mới.”

Nói xong, giáo viên đang định cầm ly nước chanh lên thì bị học sinh ngăn lại và nói: “Thầy không cần phải ném nó đi. Chỉ là hơi nhiều muối một chút thôi, thêm chút đường vào là hoàn toàn ổn.”

“Chính xác, đó là điều tôi muốn bạn hiểu. Bây giờ, hãy so sánh tình huống này với cuộc sống của bạn"

Quá nhiều muối trong nước chanh giống như trải nghiệm tồi tệ chúng ta từng gặp trong đời. Bây giờ, hãy hiểu điều này, để cải thiện hương vị của nước chanh, chúng ta không loại bỏ muối mà thêm nhiều đường vào đó.

Tương tự như vậy, chúng ta không thể tách rời những sự kiện buồn đã xảy ra với mình khỏi cuộc sống nhưng chúng ta có thể cải thiện cuộc sống bằng cách bổ sung thêm những trải nghiệm tốt đẹp trong cuộc sống để xóa đi những cay đắng, buồn phiền trong quá khứ. Vị ngọt đó phải được trộn lẫn.

"Nếu bạn cứ khóc lóc về quá khứ của mình thì hiện tại và tương lai của bạn sẽ không tốt đẹp gì cả.” giáo viên nói.

Sinh viên bây giờ đã nhận ra sai lầm của mình. Anh thề trong tâm trí rằng sẽ một lần nữa đưa ra hướng đi đúng đắn cho cuộc đời mình.

thêm đường vào nước chanh


Bài học cuộc sống trong câu chuyện:

Cuộc sống nếu là một cốc nước, nó sẽ rất khó là một cốc nước tinh khiết. Vui sướng, khổ đau, thất bại, thành công, bị từ chối hay được đón nhận như những gia vị tạo nên cốc nước mà không một ai giống ai. Bạn không thể cho đời mình vào máy loc để tách ra thành từng thành phần- đó là sự thật. Bạn chỉ có thể tìm kiếm và cho thêm vào đó những gia vị mà mình mong muốn.

Nếu cứ đắm chìm trong biển khổ thì chúng ta sẽ không thể nhận ra ngay cả những cơ hội tốt đẹp đang đến với mình. Điều quan trọng là chúng ta phải vượt qua những ký ức, lỗi lầm cũ và đưa ra hướng đi mới cho cuộc sống.

Cha mẹ, giáo viên khi muốn giúp con cái hay học sinh của mình, tất nhiên không thể làm thay họ. Đừng bắt chúng phải nhắc lại, giải thích hay kể lể về những nỗi đau đó, nó chỉ giống như khuấy lại cốc nước thôi. Hãy làm cho họ hiểu, những điều đã diễn ra không phải là vấn đề để giải quyết, nó là thứ để chấp nhận. Việc cần làm là giải quyết những hậu quả của nó theo những cách thông minh nhất mà ta có thể tìm ra.

Comments