Ai chưa từng gặp những
hoàn cảnh khó xử trong cuộc sống, những hoàn cảnh, tình huống mà ta băn khoăn
không biết nên ứng xử sao cho phù hợp? Chắc chắn là không, những hoàn cảnh tình
huống đó diễn ra hằng ngày và không có bất kỳ một lời khuyên nào có thể giúp
bạn ứng xử phù hợp trong mọi hoàn cảnh.
Thực tế là thế, dù bạn
là ai, sức mạnh của bạn như thế nào, quyền lực của bạn đến đâu, bạn sống tốt
như thế nào... thì vẫn luôn có những kẻ "giở trò khỉ" với bạn. Đó có
thể là khiêu khích, nói xấu, chơi xấu, hạ thấp bạn trước mặt người khác, cản
bước bạn... Đó là cuộc sống không ai tránh được.
Đôi lúc những tình huống
đó đến từ con cái bạn, bạn bè của bạn, học trò của bạn hay bất kỳ ai mà bạn yêu
thương bởi niềm tin khác nhau, thói quen khác nhau, quan điểm trái ngược nhau
hoặc đơn giản là hoàn cảnh khác nhau, lúc đó bạn càng thêm bối rối.
Điều quan trọng không
phải là tìm mọi cách để loại bỏ mọi điều như vậy ra khỏi cuộc sống, hoặc làm
thay đổi những người đó bằng giáo dục họ, trừng phạt họ hay trả thù họ. Điều
quan trọng nhất mà bạn có thể thay đổi chính là cách mà bạn ứng xử với những
điều như thế trong cuộc sống của mình. Nó là điều phiền toái, nguồn cơn của sự
tức giận, là mối bận tâm hay nó là cơ hội để bạn trải nghiệm, rèn luyện đức
hạnh, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Nếu bạn hoặc con bạn đang gặp phải những vấn đề như vậy, hãy đọc bài viết này.
Câu chuyện số 1. Cách
trâu rừng ứng xử với những trò khỉ.
Ngày xửa ngày xưa, trong
một khu rừng xinh đẹp bên ngoài thành phố cổ kính và thơ mộng ở miền trung của
nước Việt, có một con trâu đực to lớn. Bất kỳ ai đã nhìn thấy con trâu này đều
phải thốt lên “Đó là con trâu đẹp nhất thế giới”. Với một thân hình to lớn và
cân đối, 4 chân vững chãi như cột nhà, những khối cơ bắp cuồn cuộn, cặp sừng
cong vút khổng lồ với đầu nhọn sắc như dao cạo lấp lánh ánh đen trong nắng. Mỗi
khi chú trâu bước đi, nó giống như một ngọn núi xanh đen di chuyển qua khu
rừng. Những con sư tử và hổ tránh xa đường đi của nó, vì chúng biết rằng chúng
không phải là đối thủ của sức mạnh của con trâu ấy.
Nhưng bản chất của trâu
lại trái ngược với vẻ ngoài của nó. Nó là loài vật hiền lành, thâm trầm và khôn
ngoan nhất. Một con khỉ tinh quái đã phát hiện ra lòng tính cách và tốt của
trâu, và nó quyết định lợi dụng điều đó. Con khỉ đã phát hiện ra rằng trâu sẽ
chịu đựng bất kỳ trò nghịch ngợm thậm chí là nhạo báng nào mà con khỉ có thể
nghĩ ra. Các bạn biết đấy, không một con vật nào mà có nhiều "trò
khỉ" như con khỉ. Con khỉ sẽ nhảy lên lưng trâu và cưỡi nó như cưỡi ngựa,
hoặc đu mình giữa cặp sừng lớn của nó, hoặc che mắt trâu để trâu không thể tìm
đường; nó sẽ đứng chắn đường để trâu không thể gặm cỏ, nhảy lên đầu trâu khi nó
đang ngủ và đánh thức trâu, hoặc thậm chí chọc vào tai trâu bằng một cây gậy.
Đôi lúc nó đứng lên đầu trâu ra vẻ đang điều khiển con vật hùng dũng này và dọa
nạt tất cả các động vật khác trên đường mà nó gặp. Dù con khỉ có làm gì, con
trâu vẫn tiếp tục công việc của mình, không hề tỏ ra bận tâm. Con khỉ thích thú
với tình huống này, luôn cố gắng nghĩ ra những cách mới để chọc giận con trâu.
Chứng kiến cảnh đó,
những con chèo bẻo lắm mồm thì xì xào với nhau rằng con trâu chỉ được cái đẹp
mã nhưng đầu óc rỗng tuếch nên bị con khỉ điều khiển. Những con vẹt đọc nhiều
sách, nghe lỏm được nhiều đạo lý thì đăng đàn nói rằng con trâu đang làm hại
cho khu rừng bằng sự hèn yếu của mình. Thật nguy hiểm khi kẻ có sức mạnh lại
ngu dốt. Duy chỉ có một con cú sống trong rừng thường quan sát con khỉ và con
trâu, và nó rất bối rối về mối quan hệ này. Cú vẫn luôn là vậy, chín chắn, khôn
ngoan và kiệm lời. Nhưng suy nghĩ hoài không hiểu được thái độ của trâu nên một
ngày nọ, nó hỏi con trâu, "Trâu lớn ơi, hổ và sư tử sợ cậu, vậy mà cậu lại
để con khỉ này ngược đãi cậu bằng vô số cách. Trong chốc lát, cậu có thể nghiền
nát con thú nhỏ hỗn láo này và xong đời. Tại sao cậu không làm thế?"
"Tất nhiên là ta
biết sức mạnh của mình cú uyên bác ạ", con trâu nói, "nhưng ta sẽ
không nghĩ đến việc sử dụng nó với con khỉ nhỏ ngốc nghếch đó. Cú biết không:
Thật dễ dàng để kiên nhẫn và khoan dung với những người đối tốt với mình. Thách
thức là phải kiên nhẫn và khoan dung với những người đối xử tệ với mình. Con
khỉ này, với sự chế giễu của nó, thực ra đang giúp ta một việc mà ta muốn rèn
nhất. Ta rèn luyện đức tính khoan dung và từ bi bằng cách chịu đựng mọi hành vi
của nó. Có thể nó sẽ học được từ tấm gương của ta, và có thể nó sẽ không học
được gì cả mà chỉ nhiễm thêm thói ảo tưởng ngông cuồng. Nhưng tất cả không hề
gì. Nhiệm vụ của ta không phải là dạy bảo nó. Tất cả chúng ta đều cần thử thách
để phát triển đức tính của mình. Con khỉ này đang cho ta cơ hội để trưởng
thành.”
“Sự vĩ đại của anh, chú
trâu kỳ diệu, không chỉ nằm ở kích thước của anh, mà còn ở trí tuệ siêu phàm
của anh. Cảm ơn anh đã dạy tôi bài học quan trọng này,” chú cú nói, sau đó cúi
chào chú trâu và bay trở lại ngọn cây để suy ngẫm về những lời đáng chú ý của
chú trâu.
Bàn
luận đôi chút về câu chuyện.
Bạn
không thể diệt hết khỉ trong rừng, tất nhiên là như vậy. Ba cũng hông thể bịt mồm
tất cả lũ chèo bẻo, tất nhiên vì chúng sinh ra đẻ bép xép. Ban cũng không thể
tranh luận để thắng lũ vẹt, chúng rất đông và thuộc bài. Bạn cũng không thể
mong mọi con vật đều ứng xử điềm đạm như hổ, như sư tử, bởi đây là khu rừng,
đây là cuộc sống, nó có đủ chỗ cho tất cả sinh vật được thượng đế tạo ra.
Bạn
vẫn còn đó những con cú khôn ngoan, bao giờ cũng vậy, không khi nào trái đất
này hoàn toàn không có ai hiểu bạn, và ngay cả khi điều điên rồ đó xảy ra thì bạn
vẫn còn chính mình, nếu nhưu bạn thực sự hiểu bạn, như thế là quá đủ.
Tại
sao con trâu không dạy cho con khỉ một bài học? Có phải như vậy là ích kỷ
không? Đó trước tiên không phải là việcc của trâu, đừng quá bận tâm về điều đó,
bởi nếu khỉ có thể học, nó đã học được từ cách cư xử của trâu rồi, không phải
bài học nào cũng cần phải lên lớp.
Tất
cả những “trò khỉ” trong cuộc sống là điều khó chịu cho bạn, là mồi lửa đốt lên
sự nóng giận của bạn hay là cơ hộ để bạn trải nghiệm, rèn luyện để trưởng
thành, tất cả phụ thuộc vào thái độ của bạn.
Bạn
nghĩ sao về cau chuyện này, hãy để lại bình luận của bạn ở phần comment. Và nếu
muốn, hãy đọc tiếp câu chuyện tiếp theo trong bài viết này.
Câu chuyện số 2. Đại bàng và quạ.
Đại bàng đúng là chúa tể của bầu
trời. Nó tung đôi cánh lớn và mạnh mẽ chinh phục mọi độ cao và phóng tầm mắt
bao quát cả khoảng không rộng lớn. Nhưng không phải vì thế mà nó không phả chịu
những phiền nhiễu của cuộc sống thực tế từ những loài chim khác. Loài chim duy
nhất dám mổ và chọc tức đại bàng là quạ. Những con quan, bằng một cách nào đó
sẽ luồn lách và ngồi trên lưng đại bàng. Sau đó chúng bắt đầu liên tục cắn vào
cổ đại bàng.
Bạn nghĩ đại bàng sẽ nổi khùng và
chiến đấu với những con quạ bằng tất cả sự dũng mãnh của mình. Không, chúng
không làm như vậy. Thay vào đó, đại bàng không đáp lại những khiêu khích cũng
không chiến đấu với quạ. Nó không dành thời gian và năng lượng cho con quạ
…Việc nó làm là mở rộng đôi cánh và bắt đầu bay lên và ngày càng bay cao hơn
nữa vào bầu trời như những gì chúng vẫn làm với khả năng của mình. Chim đại
bàng bay càng cao, quạ càng khó thở và chẳng bao lâu, quạ sẽ rơi xuống do thiếu
oxy.
Bạn đã bao giờ để “những điều nhỏ
nhặt” trong cuộc sống khiến bạn chán nản, khiến bạn phát điên hoặc lấy đi niềm
vui trong cuộc sống chưa?
Bạn đã bao giờ để những kẻ kém cỏi,
những trò lố lăng, hèn mọn, nhỏ nhặt khiến bạn bực bội, tức tối hoặc chí ít là
làm mất đi niềm vui của bạn chưa?
Đừng lãng phí thời gian của bạn với
những con quạ. Đừng hạ mình để chiến đấu với chúng trong không gian chật hẹp và
thấp kém của chúng. Chỉ cần bạn ở đúng tầm cao của mình và chúng sẽ biến mất.
Nếu bạn vẫn chưa thoát được những
điều như vậy, lý do duy nhất là bạn chưa đủ cao để vượt qua tầm đấy, và vì thế
bạn xứng đáng ở cùng tầm với những thứ như thế. Đừng phàn nàn!
Hãy mạnh mẽ và can đảm!
Câu chuyện số 3. Ứng xử với cậu học trò “Thẳng thắn”
Có thể thấy rất rõ rằng
ngày nay những nguyên tắc về ứng xử, sự lịch thiệp, nhã nhặn hoặc đơn giản hơn
là sự lễ phép đang bị lãng quên, thậm chí là khinh rẻ. Nó thực sự phổ biến và rõ
ràng hơn rất nhiều ở lớp trẻ, những thanh thiếu niên bị tiêm nhiễm, bị nhồi sọ rất
nhiều bởi cách ứng xử cộc cằn, thô lỗ, cái mà họ cho rằng đó là “cá tính”, “thẳng
thắn”, “thực lòng”, “chất”. Sự thiếu va chạm xã hội trong một môi trường chính
thức, môi trường người lớn khiến chúng không nhận ra sự cần thiết cũng như giá
trị của cách ứng xử lịch thiệp, mềm mại, phù hợp cộng thêm những xu hướng, những
tuyên bố, những phong cách của những kẻ mới nổi, người nổi tiếng có nền tảng giáo
dục khiêm tốn trên mạng xã hội khiến việc thay đổi thái độ của chúng về vấn đề
này càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Bạn không thể dùng diễn
thuyết để thay đổi chúng, cảnh báo, đe dọa hay hình phạt cũng không có tác dụng
mấy, nhưng một câu chuyện phù hợp rất có khả năng làm chúng thay đổi.
Hãy đọc câu chuyện sau đây
và chia sẻ với chúng nếu bạn thấy phù hợp.
Câu chuyện: Chút không khí rỗng tuếch
Thầy
chắc chắn không phải là người khắt khe về phép xã giao, đó là sự thật. Thầy
không bao giờ bắt bẻ về xưng hô, nghi thức hay cách thức tiếp đón mà mọi người
dành cho mình. Thầy luôn giản dị, dễ gần và thoải mái với tất cả mọi người từ
người trong giới xã hội, anh nông dân, quan chức hay học giả. Nhưng tất cả
những ai đã từng tiếp xúc với thầy đều cảm nhận được sự lịch
sự, ân
cần, chu đáo và gần gũi một
cách rất tự nhiên trong cách cư xử của Thầy với
người khác. Nó
tự nhiên như thể nó vốn vậy, như hơi thở vậy thôi.
Có một lần một người học
trò đưa thầy về trong đêm sau buổi giảng cuối cùng của một hội thảo lớn. Người
học trò lái xe đó đã vi phạm một lỗi trong luật giao thông và bị cảnh sát giữ
lại. Thầy không dùng ảnh hưởng của mình để giải quyết vấn đề mà chỉ lặng ẽ quan
sát người học trò nhiệt tình ấy. Cậu học trò sau khi chấp nhận nộp phạt một cách
miễn cưỡng đã có những hành vi khá thô lỗ với cảnh sát giao thông.
Khi đưa thầy về đế nơi ở
của thầy, để thanh minh cho hành vi của mình người học trò kia
nói:
- Con thưa Thầy, con là
người trực tính và có phần nóng tính một chút. Nhưng con vẫn vậy, con không cố
tình che giấu nó, con thà là chính mình và để mọi người
biết chính xác con cảm thấy thế nào. Đó chính là con, đó là
cá tính của con, và con không không ân hận hay xấu hổ vì nó. Sự
lịch sự, khéo mồm là
gì ngoài những lời sáo
rỗng, chính xác chúng chỉ là chút không khí rỗng không!!!
- Đúng
vậy- Thầy vui
vẻ nói. Lịch
sự chỉ là chút không khí rỗng. Nhưng hãy nhìn xem, đó lại là tất cả những
gì chúng ta có trong lốp ô tô của mình. Thầy nheo mắt nhìn học trò trong khi vui vẻ đá
đá chân vào bánh xe. “Và hãy xem cái thứ trống rỗng ấy nó đã làm cho hành trình êm
ái biết bao, người ngồi trên xe thoải mái thế nào, con đường bớt đau biết bao
nhiêu và cả bộ lazang cứng cáp này được bảo vệ như thế nào!!”
Cậu học trò ngẩn người
trước lời nói của thầy, hai tay vân vê tà áo không nói nên lời. Thầy nheo mắt
cười với anh, vỗ vai thân thiện rồi nói trước khi bước vào nhà.
- Dù con có là một
lazang mạnh mẽ, con không cần thứ không khí trống rỗng kia, con chấp nhận tất
cả những tổn thương về mình, con có quyền lựa chọn, nhưng xin đừng để ai khác
trên xe của con và cũng đừng làm tổn thương những con đường.
Anh học trò đứng đó nhìn
thầy mình khuất dần, có lẽ đó là bài học không bao giờ có thể quên với anh.
Câu chuyện số 4. Tại sao nên bớt tranh luận.
Nếu bạn là người thích tranh luận hoặc có con là đứa trẻ thích tranh luận để rồi kết quả là nhận lấy những cảm xúc tiêu cực về những cuộc tranh luận vô bổ thì đây là câu chuyện dành cho bạn hoặc cho con bạn .
Thầy có một cậu con trai
rất thông minh và đầy nhiệt huyết. Và cũng như nhiều người trẻ nhiệt huyết khác
cậu rất thích tranh luận. Cậu tranh luận ở lớp, trong nhóm bạn chơi, trong các
diễn đàn học thuật và thậm chí cả trên các mạng xã hội. Thầy không cấm cản và
cũng không khuyến khích hành vi đó của con trai, thầy để tự nó diễn ra một cách
tự nhiên như thế.
Rồi đến một thời điểm
Thầy thấy cậu bé không hào hứng với các cuộc tranh luận nữa, thay vào đó là vẻ
mệt mỏi, ấm ức, thậm chí bực bội. Thầy có nhẹ nhàng gợi hỏi thì nhận được câu
hỏi ngược lại từ cậu:
- Ba này, tại sao con
gần như không thấy cha tranh luận với ai bao giờ?
- Với ba, tranh luận hầu
như là vô bổ.
- Nó là cách để tìm ra
sự thật mà ba?? Cậu bé thắc mắc.
Thầy mỉm cười, nhặt một
lát bánh mỳ trên bàn ăn, nhẹ nhàng phết bơ vào một mặt bánh rồi nói với cậu.
- Nếu ta thả miếng bánh
rơi xuống, măt nào sẽ úp xuống sàn?
- Tất nhiên là mặt có
phết bơ thưa ba.
Thầy nhếch mép cười cậu
con trai rồi nói “Sai bét, sai bét, sai bét, không tin hãy nhìn đây”
Thầy cầm miếng bánh,
đứng lên cao, tung nó lên và để nó rơi xuống sàn…
. – Ba nhìn xem, mặt có bơ
đã úp xuống sàn. Cậu bé nhặt miếng bánh lên hồ hởi- Đó là quy luật thưa ba, con
đã thắng.
- Không có cái quy luật
đó, đó đơn giản chỉ là do có một lỗi đã xảy ra.
- Lỗi
gì thưa ba?
- Rõ
ràng là ba đã
phết bơ sai mặt.
Cậu bé ngẩn người không
biết phải nói gì. Thầy vỗ vai cậu và nói.
- Con cần biết rằng
điều mà người
tranh luận tìm kiếm là sự xác nhận niềm tin của mình chứ không phải sự
thật. Hầu hết sự thật không được tìm ra bằng tranh luận. Vì
thế khi họ đã tin thì mọi sự thật trái vơi niềm tin của họ đều phải im ồm, và
khi đó tranh luận sẽ là vô bổ. Nếu con cứ cố để chứng minh, nó sẽ trở thành
tranh cãi và cái mà con nhận được chỉ là mệt mỏi và bực bội mà thôi.
Comments
Post a Comment