Một nét tâm lý phổ
biến nhất tạo nên những hành vi phổ biến nhất và cũng có thể trở thành tính cách
sau này của thanh thiếu niên, đó chính là kiêu ngạo và ảo tưởng sức mạnh. Nó ngày
càng được nuôi dưỡng và trở nên phổ quát hơn bởi phong trào “nâng cao lòng tự
trọng” một cách lệch lạc và hời hợt thông qua những lời khen cẩu thả, những phần
thưởng vô tội vạ, với vô vàn những giấy khen, tôn vinh và phong trào flex con nở
rộ trên tất cả các nền tảng mang xã hội. Bọn trẻ bị mất danh tính, nhầm lẫn
danh tính, tin rằng mình rất giỏi, mình rất mạnh, mình là số một, và chúng mang
nó theo như một vật bất ly thân để bước ra với cuộc đời.
Không gì nguy hiểm hơn
khi mang theo thói kiêu ngạo và ảo tưởng sức mạnh ra với một thế giới với quá
nhiều ghen tỵ, bạo lực, cạm bẫy này. Chính những đứa trẻ đó sẽ phải gánh chịu hậu
quả mà không cha mẹ nào có thể gánh chịu thay. Đó là sự thật.
Để phá vỡ những nét tâm
lý đó, hành vi đó, tính cách đó, không gì khác ngoài việc phá bỏ những nguồn dung
dưỡng nó từ ngay trong gia đình, từ ngay bố mẹ. Và hãy thực hiện những điều đó
khi những biểu hiện này mới ở mức manh nha hay khởi đầu. Đừng để khi con bạn phải
chịu hậu quả rồi tỉnh ngộ, bởi đôi lúc hậu quả sẽ là quá khắc nghiệt.
Hãy cảnh báo chúng, hãy rung những hồi chuông cho chúng và cho chính chúng ta qua những câu chuyện, đó là một cách làm hiệu quả mà cha mẹ có thể thực hiện ngay bây giờ. Hãy đọc những câu chuyện sau đây và chia sẻ với con của bạn.
Câu chuyện số 1: Con lợn rừng ảo tưởng.
Ngày xửa ngày xưa, dưới
chân dãy núi Trường sơn hùng vĩ, có một con Hổ hùng mạnh sống trong một hang
động ấm cúng. Một ngày nọ, con Hổ giết một con trâu nước lớn và ăn cho đến khi
no căng bụng. Trên đường trở về hang để ngủ trưa, nó quyết định dừng lại ở một
hồ nước để giải cơn khát. Khi đến gần hồ, nó thấy một con lợn rừng choai đang
uống nước. Nó đã quá no để nghĩ đến việc ăn thịt con lợn rừng, nhưng nó hy vọng
có thể quay lại vào một ngày khác khi nó lại đói, Hổ luôn thế cẩn thận và lo
xa. Và vì thế nó không muốn làm cho lợn rừng sợ hãi và bỏ chạy khỏi hồ. Nó thận
trọng lùi lại một cách nhẹ nhàng nhất và ẩn mình vào bụi rậm. Con lợn rừng nhìn
thấy con Hổ đang rút lui, một thoáng ngạc nhiên thoáng qua trong đầu nhưng sự
cảnh giác không thắng được sự kiêu ngạo của nó. Nó soi gương dưới hồ nước và
thấy mình quả thực dũng mãnh với hai nanh dài và khuôn mặt thậm chí còn dữ tợn
hơn hổ. Nó nghĩ rằng con thú kia đang trốn chạy vì sợ hãi. Con lợn rừng tự nhủ:
"Vì sức mạnh và vẻ ngoài đáng sợ của mình, con Hổ này đã chạy trốn khi thấy mình. Hôm nay, mình sẽ chiến đấu với con Hổ hèn nhát này!"
Con lợn rừng gọi con Hổ
với giọng đầy kiêu ngạo: "Con Hổ kia, hãy quay lại đây và chiến đấu như
một chiến binh. Ta không sợ ngươi đâu."
Hổ rất ngạc nhiên khi
nghe thấy sự ngạo mạn như vậy từ con lợn rừng, nhưng nó quyết định lợi dụng
điều đó. Nó nói với lợn rừng, "Bạn của tôi, tôi rất tiếc vì hôm nay không
thể đấu với bạn, nhưng tôi rất vui khi được đáp ứng thử thách của bạn vào tuần sau kể từ hôm nay tại chính địa điểm này. Tôi hy vọng có thể thắng được loài
vật dũng mãnh như bạn"
Lợn rừng rất vui mừng và
chấp nhận các điều kiện. Nó quay lại đàn của mình và kể cho chúng nghe về cuộc
phiêu lưu của mình. Nó nói, "Tôi sẽ chinh phục con Hổ này và làm cho tên
tuổi của tất cả lợn rừng trở nên nổi tiếng mãi mãi!"
Con Lợn rừng đầu đàn khi
nghe con lợn rừng đang tuổi hung hăng này nói thì lấy làm sợ hãi, nó gắt lên:
"Mày chắc chắn bị điên rồi lợn choai ạ! Không có con lợn rừng nào có thể
giết chết được Hổ cả. Mày sẽ chết nếu chiến đấu với nó."
Vì điều đó được nói lên
từ lợn đầu đàn, con lợn dũng mãnh và khôn ngoan nhất nên nó làm lợn rừng choai
suy nghĩ. Nó bắt đầu xem xét lại sự ngạo mạn không đúng đắn của mình. "Vậy
thì, tôi sẽ làm gì? Nếu tôi không đi, chắc chắn nó sẽ săn lùng tôi," lợn
rừng choai than thở. "Đúng vậy," con đầu đàn nói, "và khi làm
như vậy, nó sẽ tìm thấy những người còn lại trong chúng ta và nhiều người sẽ
chết. Mày phải đi thử thách, đi chiến đấu với nó.” “Nhưng đó chẳng phải là tìm
cái chết sao?” Lợn rừng choai run rẩy. Lợn đầu đàn suy nghĩ một lát rồi nó nói
với sự nghiêm trang của một vị thủ lĩnh “Hãy thực hiện theo chỉ đạo của ta,
trong sáu ngày tiếp theo, mày phải đến đống phân và lăn trong phân, để phân khô
mỗi ngày và phủ lên người. Vào ngày thứ bảy, ngay trước khi chiến đấu, hãy làm
ẩm ướt bản thân bằng những giọt sương để kích hoạt mùi hôi thối nhất có thể.
Đến địa điểm được chỉ định để chiến đấu sớm và định vị bản thân sao cho gió
thổi từ phía sau lưng của mày để mùi thối khủng khiếp bay về phía địch.”
Con lợn rừng làm theo hướng dẫn của thủ lĩnh một cách chính xác. Vào ngày chiến đấu với Hổ, nó đứng bên hồ, người đầy phân và bốc mùi hôi thối. Hổ, như chúng ta biết, là một sinh vật sạch sẽ và cầu kỳ, đã cảm thấy ghê tởm với lớp phân dày trên người lợn rừng. Mùi hôi thối nồng nặc đến mức khiến nó chảy nước mắt và việc nghĩ đến cắn con lợn đầy phân này đã khiến nó buồn nôn. Nó nói với lợn rừng "Ta không thể chạm vào ngươi chứ đừng nói đến việc cắn ngươi. Ngươi đã thắng trận này, nhưng bằng chiến thuật kinh tởm nhất mà ta từng gặp". Và Hổ bỏ đi để tìm bữa tối khác của mình, một bữa tối thơm tho hơn.
Con lợn rừng ngốc nghếch
đã phấn khích. Cái tôi vốn đã rất lớn của nó lại phồng lên một lần nữa và nó
vội vã quay lại đàn để kể cho chúng nghe về chiến thắng vĩ đại của mình.
Bài học đạo đức từ câu chuyện.
Câu chuyện tuyệt vời này
là công cụ thực sự hữu ích để truyền tải thông điệp về biểu hiện cũng như tác
hại của những hành vi kiêu ngạo và ảo tưởng về sức mạnh, một hiện tượng đang
rất phổ biến trong tâm lý của lứa tuổi thanh thiếu niên. Thông qua câu chuyện
thanh thiếu niên có thể thấy rõ rệt nhất kiêu ngạo và ảo tưởng sức mạnh có thể
đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của mình như thế nào. Và quan trọng hơn nữa nó
còn có thể gây ra mối nguy hiểm cho cả những người thương yêu và cả cộng
đồng.
Câu chuyện cũng chỉ ra
cho thanh thiếu niên thấy rõ sự cầ thiết của tính thận trọng trong mọi hành
động. Thận trọng cho phép chúng ta lựa chọn hành vi phù hợp, an toàn, giữ được
sự cảnh giác cần thiết. Trong những tình huống cụ thể chúng ta cần suy xét kỹ
về bản chất sự việc, không bị đánh ừa bởi sự gian xảo của kẻ thù cũng như sự ảo
tưởng của chính chúng ta, cái có thể khiến chúng ta đưa ra những hành động dại
dột và nguy hiểm.
Câu chuyện cũng nhắc nhở
thanh thiếu niên và cả người lớn về trí tuệ, sự khôn ngoan của những người lớn
tuổi, từng trải, điều mà ngày càng thiếu ở những người trẻ. Những người trẻ
ngày càng có thái độ coi thường kinh nghiệm, không coi trọng sự khôn ngoan của
người từng trải do ngộ nhận về sự khôn ngoan lý thuyết của mình, biết nhiều
thông tin của mình mà bỏ qua những lời khuyên vô giá từ trải nghiệm cuộc sống.
Trong câu chuyện này lợn rừng đầu đàn là đại diện cho sự khôn ngoan và từng
trải đó. Câu chuyện cũng nhắc nhở người trẻ hãy mạn dạn bày tỏ những khó khăn
của mình để tìm kiếm sự giúp đỡ từ cha mẹ, ông bà hay người lớn tuổi.
Và một lần nữa câu
chuyện lại truyền tải thông điệp về sự nhẫn nại, một khi đã rơi vào hoàn cảnh
khó khăn, sự nhẫn nại, chịu đựng là chìa khóa để vượt qua thử thách. Nếu như
lợn rừng không chịu được sự hôi hám, bẩn thỉu mà sĩ diện hoặc xấu hổ thì sẽ
không có thể thoát ra khỏi tình tạng khó khăn.
Một bài học quan trọng
khác dành cho cha mẹ chính là sự kiêu ngạo và ảo tưởng rất khó để mất đi một
sớm một chiều. Nó cần có hậu quả để thức đẩy. Con lợn rừng choai chưa thực sự
hết tính kiêu ngạo và ảo tưởng khi nó vừa chiến thắng con hổ nhờ vào trí tuệ cả
người khác. Và không có gì là chắc chắn nó sẽ không phạm sai lầm tương tự. Có
lẽ lợn choai cần một "hậu quả" thực sự để nó có thể ghi nhớ bài học
đó.
Quan điểm của bạn về câu
chuyện này thế nào. Hãy để lại ý kiến ở phần bình luận. Chia sẻ câu chuyện đến
mọi người nếu bạn thấy nó hữu ích.
Nếu cái kết đó chư đủ sức nặng, hãy đọc câu chuyện tiếp theo
Câu chuyện số 2. Cái kết
của con lợn rừng dũng mãnh.
Một con voi tắm ở sông
và đi trên đường. Khi đến gần một cây cầu, nó nhìn thấy một con lợn ướt sũng
bùn từ hướng ngược lại đi tới. Vì cầu hẹp chỉ có thể cho một con đi qua nên con
voi lặng lẽ lùi lại một chút, đứng tránh sang một bên để cho con lợn bẩn thỉu
đi qua rồi tiếp tục cuộc hành trình.
Con lợn bẩn thỉu sau đó
đã nói với bạn bè của nó một cách kiêu ngạo: “Hãy xem tôi mạnh mẽ đến mức nào;
ngay cả con voi cũng sợ tôi và né phải lặng lẽ rẽ sang một bên để tôi đi qua”.
Khi nghe điều này, một
số con voi đã hỏi bạn của chúng về lý do hành động của nó. Có phải là vì sợ
hãi?
Con voi mỉm cười và trả
lời:
“Tôi có thể dễ dàng chỉ
bằng một cú gạt bằng vòi thì con lợn sẽ rơi xuống sông, nhưng tôi sạch sẽ và
con lợn rất bẩn. Nếu tôi dùng vòi để gạt nó hay dùng chân để dẫm bẹp nó, vòi
hoặc chân của tôi cũng sẽ vấy bẩn. Và cũng chẳng có gì là anh hùng khi một con
voi chiến thắng một con lợn chỉ vì tranh dành một vài giây của cuộc đời. Vì
vậy, tôi đã né sang một bên.”
Hôm sau nó cũng từ vũng
bùn đi về nhà qua cây cầu đấy, và bên kia cầu là con trâu mệt mỏi vừa trở về
sau một buổi cày ở đồng trũng. Con lợn vẫn hùng dũng lên cầu không chịu nhường
nhịn, nó còn vênh mặt, lắc lắc cái người để bùn bắn tung tóe. Con trâu cáu
tiết, húc nó một cái rơi tõm xuống sông.
Ghi nhớ: Những linh hồn
chứng ngộ sẽ tránh tiếp xúc với những điều tiêu cực không phải vì sợ hãi mà vì
muốn tránh xa những ô uế dù chúng đủ mạnh để tiêu diệt những ô uế. Bạn không
cần phải phản ứng trước mọi ý kiến, mọi bình luận, hay mọi tình huống.
Hãy tránh xa những rắc
rối không đáng và tiếp tục tiến về phía trước nơi có điểm đến của mình.
Câu chuyện số 3. Con voi và con bọ cánh cứng.
Ngày
xưa có một quán trọ ven sông nằm giữa hai ngôi làng của những người lao động. Thỉnh
thoảng những người buôn bán vận chuyển hàng hóa bằng ngựa hoặc voi đi lại trên
tuyến đường này. Tất nhiên, những lữ khách thường ở lại và ăn tối tại quán trọ,
một số người sẽ ngồi bên ngoài uống rượu. Một hôm, một trong những lữ khách say
rượu đã làm đổ bát bia của mình xuống đất. và chất lỏng đó lắng xuống một hốc
đá. Một con bọ cánh cứng đang đi đến bờ sông, bị thu hút bởi mùi chất thải của con
người và mùi bia đổ nên nó mò vào. Con bọ cánh cứng vấp phải vỏ chai bia, nó nhấm
nháp chút bia đổ đó và thấy rất ngon. Nó uống no và chẳng mấy chốc nó say đến mức
mất hết lý trí. Nó loạng choạng xuống bờ sông và ngã xuống đống phân động vật
và bùn. Khi cuối cùng đứng dậy, nó thấy đống bùn lún xuống và chân của nó chìm
xuống bùn. Nó kinh hãi reo lên "Ta mạnh mẽ đến mức thế giới không thể chịu
nổi sức nặng khổng lồ của ta. Trái đất này đang lún sụt dưới những bước chân của
ta- loài bọ cánh cứng vĩ đại nhất!"
Đúng
lúc đó, một con voi đang đi đến bờ sông để uống nước. Nhìn thấy con bọ cánh cứng
ngốc nghếch ngã lăn ra giữa đống bùn và phân động vật, con voi lùi lại để đi
theo một con đường khác đến chỗ uống nước. Con bọ hung, nhìn thấy con voi đã
rút lui, đã gọi nó, "Đồ hèn nhát, quay lại đây! Ta thấy ngươi sợ sức mạnh
của ta. Quay lại đây và chiến đấu với ta! Nếu không dám hãy quỳ trước mặt ta để
xin tha mạng”
Con
voi nhận ra con bọ cánh cứng đã say và quyết định dạy cho nó một bài học. “Ta
chấp nhận lời thách đấu của Ngài, ngài Bọ” con Voi nói, “và ta sẽ chọn vũ khí
cho cuộc chiến giữa chúng ta.”
Nói
xong, con voi quay lại, nhấc đuôi lên và trút lên con bọ cánh cứng một đống
phân voi khổng lồ. “Bây giờ Ngài đã ở trong thế giới của Ngài rồi, Ngài Bọ. Hãy
ở đó làm Vua và tận hưởng chiến thắng. Nói xong, con voi đi đến bờ sông, uống
nước và quay trở lại khu rừng, trong khi con bọ cánh cứng đang vật lộn tìm chút
không khí để thở dưới đống phân voi.
Câu chuyện số 4. Thế nào là kiêu ngạo.
Có một vị giáo sư uyên
bác đồng thời lại là một doanh nhân lẫy lừng, một nhà hảo tâm nổi tiếng và cũng
là một người giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền. Nhưng bất chấp danh
tiếng, quyền lực và sự giàu có, ông vẫn tự coi mình là một Phật tử khiêm tốn và
sùng đạo. Ông thường đến thăm vị thiền sư yêu mà ông rất mực ngưỡng mộ để học
với ông và học từ ông ấy, và họ dường như rất hợp nhau. Việc ông ấy là người
giầu có, quyền lực và có danh tiếng tốt không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của
họ, đó dường như chỉ đơn giản là mối quan hệ giữa một bậc thầy đáng kính và một
học trò đáng kính.
Một hôm, trong chuyến
viếng thăm thường lệ, Vị giáo sư hỏi Hòa thượng: “Thưa thầy, tính Kiêu ngạo
theo Phật giáo là gì?”
Vị thiền sư đỏ mặt, dùng
giọng điệu rất trịch thượng và xúc phạm, đáp lại: "Sao ông lại có thể nghĩ
ra một câu hỏi ngu ngốc đến như vậy? "
Phản ứng bất ngờ này
khiến Giáo sư bị sốc đến mức trở nên giận giữ và không thể kiềm chế. Cảm xúc
tiêu cực đó thể hiện ngay trên nét mặt ừng đỏ và hai bàn tay nắm chặt run lên.
Lúc đó Thiền sư mỉm cười và nói, “Thưa ngài, ĐIỀU NÀY chính là Kiêu
ngạo.”
Bạn suy nghĩ gì về câu
chuyện này?
Câu chuyện này tôi muốn
dành cho người lớn, người ảnh hưởng lớn đến hành vi và suy nghĩ của con cái,
khi người cha mẹ kiêu ngạo, khó có thể làm gương cho con về sự khiêm nhường.
Đôi khi tính kiêu ngạo
không dễ để tự nhận ra nhưng rất khó để qua mặt người khác, đó là sự thật. Với
người lớn, hầu hết sự kiêu ngạo ở thể kín đáo nhưng hậu quả thì vẫn như nhau.
Vị giáo sư kia rõ ràng là
cố tình tỏ ra khiêm tốn, ông đã ngụy trang điều đó rất kéo léo, nhưng dù khéo léo
đến mấy ông cũng không thể qua mặt được vị thiền sư, và hậu quả là ông ta vẫn bị
tổn thương khi bị chạm vào cá tôi kiêu ngạo của mình.
Tính khiêm nhường phải là
tâm tính của bạn, nó từ tâm mà thể hiện ra ngoài chứ không phải là cái vỏ bọc bên
ngoài, dù có bọc kỹ đến đâu, nếu bạn kiêu ngạo, bạn cũng sẽ không giấu được nó.
Comments
Post a Comment